Dân Việt

Lo khủng hoảng thừa hoa Đà Lạt

13/08/2012 08:36 GMT+7
(Dân Việt) - Là vùng chuyên canh hoa lớn nhất nước nhưng do phát triển tự phát, theo phong trào, đầu ra không ổn định, nhiều chuyên gia lo ngại tình trạng khủng hoảng thừa sẽ xảy ra đối với hoa Đà Lạt.

Theo tính toán của ông Trần Huy Đường – Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, mỗi năm nhà vườn có thể thu về ít nhất 600 triệu đồng/ha. Ông Nguyễn Đình Sơn – Giám đốc Công ty cổ phần sinh học Rừng hoa Đà Lạt cũng đồng ý rằng, vốn đầu tư trồng hoa lớn nhưng lãi suất mang lại khá cao.

img
Trồng cúc có thể cho thu nhập 600 triệu đồng/năm/ha.

Theo ông Sơn, nếu đầu tư chi phí nhà kính để sản xuất hoa cao cấp xuất khẩu thì lợi nhuận thu về còn có thể tăng hơn từ 30 – 50% so với sản xuất hoa thông thường. TS Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết, những năm gần đây, hoa Đà Lạt đã vươn ra thị trường thế giới với số lượng hoa xuất khẩu đạt khoảng 110 triệu cành/năm - chiếm từ 10 – 11% sản lượng hoa của tỉnh.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia ngành trồng trọt, ngành hoa Đà Lạt đang phát triển không bền vững. Thông tin từ Hiệp hội Hoa Đà Lạt, tốc độ tăng trưởng của ngành hoa Đà Lạt 5 năm trở lại đây luôn đạt mức cao, khoảng 20 – 30%/năm. Nhưng, sự phát triển này chủ yếu là tự phát, theo phong trào.

Cùng với việc phát triển chưa theo quy hoạch, đầu ra cho sản phẩm hoa Đà Lạt hiện nay cũng còn bỏ ngỏ. Đà Lạt hiện chưa có chợ hoa, 90% sản lượng hoa chỉ dùng tiêu thụ trong nước với giá cả bấp bênh. Công nghệ xử lý sau thu hoạch cũng chưa được đầu tư đúng mức dẫn tới hao hụt nhiều, chất lượng hoa giảm đáng kể. Theo đó, 70% sản lượng hoa sau khi thu hoạch được nhà vườn ký gửi cho các vựa tại TP. HCM và một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Các chủ vựa sau khi bán hàng được bao nhiêu thì nhà vườn hưởng bấy nhiêu, không được thỏa thuận giá cả, tiền nhận lại đôi khi còn bị các khâu trung gian bớt xén.

Trong khi đó, nghiên cứu viên Võ Hùng Anh – Phân viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch cũng cho biết, giống hoa cũng là một vấn đề lớn đối với người trồng hoa hiện nay. Hầu hết người trồng hoa sử dụng giống địa phương đã bị thoái hóa, sản lượng thấp, độ bền màu kém. Các giống mới nhập khẩu lại chưa được thuần hóa, nhiễm sâu bệnh nhiều, màu sắc chưa chuẩn dẫn tới giá trị kinh tế chưa cao.