Dân Việt

Hát kể của người Phù Lá

05/07/2012 08:57 GMT+7
(Dân Việt) - Người già bảo rằng, những đứa trẻ Phù Lá ở bản Khua Chá, xã Phình Sáng (huyện Tuần Giáo, Điện Biên) lúc sinh ra đã được nằm trên cỏ mật, được bà, mẹ răn dạy bằng điệu Hát kể truyền thống nên trưởng thành rất sớm.

Được lưu truyền theo phương thức dân gian, làn điệu Hát kể đã gắn bó cùng những thăng trầm trong cuộc sống của con người nơi đây. Đối với đồng bào Phù Lá, Hát kể được coi như là tiếng lòng, là lời tâm can của bản làng...

img
Thiếu nữ Phù Lá vừa khâu vá, vừa tập Hát kể

Độc đáo, vui tươi, rộn ràng nhất của nghệ thuật Hát kể Phù Lá là lối hát trong đám cưới với sự cộng hưởng của tiếng trống da trâu, tiếng sáo mũi và đặc biệt là tiếng kèn - biểu tượng cho sự thiêng liêng bởi bà con quan niệm hạnh phúc lứa đôi cũng giống như tiếng kèn, phải có cặp thì khi ngân lên mới tạo nên sự đồng điệu, quấn quýt.

Điệu Hát kể trong lễ thành hôn được bắt đầu ngân lên khi người mai mối dẫn đầu đoàn nhà trai hát diễn giải lý do dẫn lễ đến nhà gái: "Chọn hôm trời đẹp, tốt ngày, nhà trai tôi mang lợn đủ cân, gạo mẩy hạt, gà đủ đôi, rượu đủ lít, bánh đủ cặp... đến xin bên nhà gái thuận lòng gả cho dâu hiền…".

Để đáp lễ bao giờ bên nhà gái cũng cử những đại diện uy tín nhất ra nhận lễ đặt lên bàn thờ cúng thần linh, tổ tiên rồi mới biện cỗ sung túc với đầy đủ thịt rượu, bánh giầy để tiếp đãi bà con dân bản đến chúc mừng hạnh phúc của đôi trẻ.

Sau câu Hát kể chan chứa yêu thương, trách nhiệm của bố mẹ dặn con gái về nhà chồng, cô dâu vừa cúi sát đất lạy bố mẹ 3 lạy, vừa nghẹn ngào, da diết hát xin phép theo chồng và hứa sẽ sống thật tốt, làm thật giỏi, sinh thật nhiều con để người lớn yên lòng. Lúc này nhà trai đưa cô dâu bước nhanh ra cửa, trong khi họ nhà gái theo thủ tục sẽ chạy tới kéo cô dâu lại. Hai bên cùng hát, rồi giả vờ giằng co để cuối cùng nhà gái phải thua cho cô dâu bước qua bậu cửa.

Đám rước ra đến ngõ, bố mẹ cô dâu đã sẵn chờ ở đó vừa hát kể rằng: "Con chim xây tổ phải có rơm có rác, con trâu lên rẫy phải có cày, thì con gái lấy chồng cũng phải được chia của cải", vừa tặng con gái, con rể của hồi môn trước sự chứng kiến của đông đủ mọi người...

Hát kể không chỉ là tiếng lòng, là tâm can của bản làng Phù Lá mà hơn hết với mỗi cá nhân, nó đã thực sự trở thành một phần ký ức không thể nào quên, bởi ở đó họ có những kỷ niệm thiếu thời thiêng liêng...