Cơn mưa mùa hè những ngày tháng 8 lúc xối xả, khi rả rích như giọt nước mắt của trời. Đường đến thôn Thiết Trụ, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn (Bình Định) vì thế cũng không dễ đi nhưng cũng may, nhân vật tôi cần tìm không mấy khó khăn. Đó là “người rừng” Đào Văn Đông, chàng trai khốn khổ đang “sở hữu” phần nhạy cảm quá kích cỡ, cùng 2 khối u ở mông khổng lồ với nhiều lớp da đen sậm đầy lông lá.
Gác lại ước mơ đến trườngĐào Văn Đông năm nay 26 tuổi thì khối u khổng lồ mà anh “vác” theo mình cùng nỗi đau đớn và mặc cảm cũng đã hơn 20 năm. Ngồi trò chuyện với bố mẹ chàng trai này, chúng tôi được biết, Đông là đứa con trai đầu lòng của ông bà. Lúc mới sinh ra, trên người Đông đã có một số mảng đen sậm nhỏ tựa hạt đậu, rồi theo năm tháng, “những hạt đậu” khó chịu ấy cũng lớn dần lên.
Vợ chồng ông Sanh, bà Bông bên đứa con trai bất hạnh
Năm lên 6 tuổi, ở bộ phận sinh dục (một trong hai tinh hoàn) của Bông lại xuất hiện một khối u nhỏ. Lúc đầu mọi người nghĩ đó là cái nhọt, vì nó hơi sưng và gây nhức. Nhưng thật lạ, “cái nhọt” này lại lớn nhanh hơn cả cậu chủ. Càng ngày, khối u càng lớn và gây chèn ép lên toàn bộ “khu vực nhạy cảm” của Đông. Mỗi khi đối diện với mọi người, dù có mặc quần áo bình thường nhưng Đông luôn mặc cảm vì nó quá “khủng”, trông chẳng giống ai.
Lo lắng và thương con bầm gan tím ruột nhưng chẳng biết làm gì giúp con ngoài việc đưa con vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định thăm khám. Các bác sĩ ở đây nhận định, 2 khối u khổng lồ ở mông và một trong hai tinh hoàn “khủng” này của bệnh nhân Đào Văn Đông là u men nguyên bào khổng lồ cùng với rối loạn nhiễm sắc thể đã tạo thành một vùng da đen sậm đầy lông. Đến năm 2002, thấy khối u mông của Đông ngày càng to và đau nhức nên vợ chồng ông Sanh, bà Bông tiếp tục đưa con vào bệnh viện.
Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u mông bên phải vì nó quá to so với khối u mông bên trái. Cắt đi rồi, ai cũng hy vọng nó sẽ không lớn lên nữa, nhưng thật đau lòng, khối u ấy lại càng ngày càng phát triển to quá kích cỡ, trong khi cơ thể Đông ngày càng gầy gò và yếu đi. Đã thế, mỗi khi trái gió trở trời, khối u cực kỳ đau buốt, Đông chỉ biết nghiến răng mà không dám kêu than sợ cha mẹ lo lắng. Vợ chồng bà Bông nhìn con lực bất tòng tâm, chỉ biết thở dài xót thương và thầm mong có một phép mầu giúp con khỏi căn bệnh quái ác.
Cũng như bao trẻ khác, Đông vẫn đến trường học nhưng đến lớp 8 em đành từ bỏ niềm vui đến trường ở nhà phụ giúp bố mẹ trông đứa em trai nhỏ Đào Văn Công. Đông nghỉ học giữa chừng vì khối u “khủng” ấy ngày càng nặng thêm với kích thước ngày càng to và ngày càng đau nhức không chịu nổi. Cũng vì nó to qua nên Đông luôn cảm thấy xấu hổ, lúc nào cũng mang mặc cảm nặng nề, sợ bạn bè chế giễu. Phần nữa vì trí nhớ em không bình thường, khả năng tiếp thu bài vở kém hẳn đi khi khối u lớn lên, nên em không theo kịp với bạn học.
Chàng trai gạt dòng lệ đang lăn dài trên khuôn mặt già trước tuổi nói với tôi: “ Em chẳng biết tại sao mình lại bị các khối u kinh dị thế này. Em chỉ muốn chết nhưng nghĩ thương ba mẹ đã vất vả, khổ sở vì mình nên phải cố gắng”.
Thèm một giấc ngủ ngonỞ xã Nhơn Hậu không ai là không biết hoàn cảnh đáng thương của chàng trai này nhưng rất ít người dám lại gần trò chuyện hay tâm sự vì “nhìn khối u kỳ quái đã thấy sợ”. Vì thế, cuộc sống của Đông giờ chỉ gói gọn lại trong bốn bức tường im lìm, suốt ngày loanh quanh, luẩn quẩn trong nhà.
Người em trai lành lặn của Đông đang học ở xa vẫn thường xuyên gọi điện thoại về an ủi anh trai vượt qua số phận nghiệt ngã. Mỗi khi về thăm nhà, nhìn anh mình đau đớn, vật vã mang những khối u khổng lồ trên cơ thể gầy yếu, người em trai gạt nước mắt cầu cứu: “ Cầu mong mọi người đừng xa lánh anh tôi tội nghiệp, hãy giúp anh tôi chữa bệnh, cắt bỏ khối u quái ác này”.
Mang những khối u quái dị, mỗi khi đưa tay chạm vào chàng trai lại cảm thấy sợ hãi. Nỗi ám ảnh theo vào giấc ngủ khiến Đông luôn gặp những cơn ác mộng kinh hoàng. Bao lâu nay, niềm mong mỏi lớn nhất của gia đình là gom góp được một khoản tiền để đưa Đông đến bệnh viện phẫu thuật. Nhưng đã nhiều năm qua, trong ngôi nhà xiêu vẹo ấy, ông bà Sanh kiếm được cái ăn sống qua ngày còn chật vật, nói chi đến tiền mà khám chữa bệnh cho con trai.
Hoàn cảnh gia đình ông Sanh là trường hợp rất đặc biệt. Hai ông bà phải bươn chải làm đủ công việc để mưu sinh nên đứng trước bệnh tật hiểm nghèo không có tiền cứu chữa của con, gia đình càng lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn bi đát.
Hơn 20 năm qua, chàng trai nghèo Đào Văn Đông phải sống chung với cậu nhỏ “siêu khủng” bất đắc dĩ này trông chẳng giống ai khiến anh tủi phận. Nỗi khổ tâm của Đông không chỉ việc “cậu nhỏ” bị khối u không bình thường mà khối u quái ác còn lan ra khắp cơ thể, nặng nhất là phần mông, lưng, bụng, những mảng da dày đen như da trâu phì ra nhìn thật khủng khiếp, khắp ngực và mặt ngày càng xuất hiện nhiều nốt đen, có lông mọc đầy.
Ông Sanh cho biết cuối tháng 7 vừa rồi, cha con ông lặn lội ra Bệnh viện Việt Đức tại Hà Nội, khám và mong được phẫu thuật tinh hoàn. Bác sĩ bảo phải có chi phí khoảng trên 50 triệu đồng. Dù thương con đến đứt ruột cũng chẳng kiếm đâu ra số tiền lớn như thế để đủ phẫu thuật cho con. Gia đình ông Sanh, bà Bông chỉ có 2 sào ruộng và ngô, còn phải thay nhau túc trực chăm người con bất hạnh. May mắn thay, cậu con trai thứ Đào Văn Công (22 tuổi, em ruột Đông) sinh ra và lớn lên bình thường, em đang học Đại học Thể dục thể thao TP.HCM, đây là niềm an ủi của vợ chồng ông Sanh.
Mỗi lần nhắc đến Đông, ánh mắt của vợ chồng ông Sanh, bà Bông chan chứa tình thương con vô bờ xen lẫn nỗi xót xa của bậc làm cha, làm mẹ dành cho núm ruột của mình. Chín tháng cưu mang, hạnh phúc nhất của người mẹ sau những cơn đau đớn khi chuyển dạ là lúc nhìn thấy con lành lặn, khỏe mạnh. Sinh ra cũng bình thường như bao đứa trẻ khác, những tưởng Đông cũng được làm người bình thường, được ăn, được học, được đến trường cùng những ước mơ về tương lai. Thế mà mong ước ấy thật khó khăn và xa vời đối với Đông và gia đình.
Ông Nguyễn Văn Lộc (53 tuổi) - trưởng thôn Thiết Trụ - cho biết trường hợp của Đào Văn Đông thật đáng thương. Bố mẹ Đông là nông dân một nắng hai sương nơi nương dâu ruộng lúa, sớm chiều vừa canh tác 2 sào ruộng cùng đám ngô sau vườn, ai gọi gì thì đi làm thuê để có tiền nuôi con. Vất vả là vậy mà ông bà còn phải thay phiên nhau túc trực để chăm sóc con bị bệnh. Mọi gánh nặng cơm áo gạo tiền, thuốc thang cho con đều đè nặng lên vợ chồng ông Sanh - tuổi cũng đã cao và sức khỏe cũng không tốt.
Thấy hoàn cảnh thương tâm nên bà con chòm xóm thỉnh thoảng cũng giúp đỡ chút ít vật chất và tinh thần nhưng ở đây mọi người cũng nghèo nên chỉ giúp được phần nào. Ông Lộc nói thêm: “ Tôi nghĩ, trường hợp của Đào Văn Đông vẫn có nhiều khả năng cứu chữa nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá bi đát nên chỉ mong vào phép nhiệm mầu. Mong có nhiều tấm lòng hảo tâm để giúp chàng trai nghèo có cơ hội trở lại cuộc sống bình thường, có cơ hội làm tròn chữ hiếu với bậc sinh thành như Đông mong muốn”.
Đối với Đông anh còn có một ước mơ giản đơn mà thật tội nghiệp, đó là thèm một giấc ngủ ngon. Bởi chàng trai này đã đằng đẵng mấy mươi năm “gánh” những khối u không thể nào chợp mắt được, không thể nào nằm được từ các tư thế sấp, ngửa… Chỉ là thèm một giấc ngủ ngon xem ra cũng quá xa vời.
Rời căn nhà cũ nát của vợ chồng bà Bông khi trời bắt đầu ngả bóng, tôi lại men theo con đường nhỏ, gập ghềnh, vạch lá cây tìm lối về trong tâm trạng nặng trĩu. Những phận đời bất hạnh như anh hy vọng có một ngày niềm vui tươi sáng sẽ trở thành sự thật.
Mọi giúp đỡ các nhân vật trong trang "Tiếng thở dài của số phận", xin liên hệ: 0938 38 13 49 hoặc chuyển tiền trực tiếp vào TK đại diện của báo Dòng Đời: Huỳnh Tuyết Hoa, TK 001100 410 1740 Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB). Báo Dòng Đời sẽ đăng tải công khai danh sách bạn đọc ủng hộ trên số báo cuối cùng hằng tháng.
|