Khu ươm điều giống. |
Giá tăng, nguyên liệu khan hiếm
Thống kê từ Cục Hải quan cho thấy, 7 tháng đầu năm 2010, cả nước xuất khẩu được gần 100.000 tấn điều nhân với kim ngạch xuất khẩu 528 triệu USD. Theo ông Nguyễn Thái Học - Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) thì 6 tháng cuối năm mới là cao điểm xuất khẩu của ngành.
"Giá cả lại đang lên từng ngày. So với cuối năm 2009, giá điều nhân (loại điều tiêu chuẩn W320) đã tăng hơn 500 USD/tấn, hiện ở mức khoảng 6.600 USD/tấn. Và chúng ta đang có rất nhiều đơn hàng lớn xuất khẩu cuối năm. Nhiều cơ hội mở ra, thế nhưng hiện nay nguyên liệu trong nước để chế biến đã hầu như không còn" - ông Học cho biết.
Theo tính toán của Vinacas, để đáp ứng đủ nhu cầu xuất khẩu thì các doanh nghiệp chế biến trong nước cần khoảng 700.000 tấn điều thô/năm. Thế nhưng sản lượng cả nước chỉ đạt khoảng 350.000 tấn điều thô/năm, mà 6 tháng đầu năm các doanh nghiệp đã thu mua hết 300.000 tấn. Như vậy trong dân còn một khoản rất ít là 50.000 tấn. 50% số nguyên liệu còn thiếu hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu. Số lượng từ nay đến cuối năm khoảng 300.000 tấn.
Và vấn đề nan giải hiện nay là doanh nghiệp không biết kiếm đâu ra vốn để thu mua được 350.000 tấn nguyên liệu này vì đây là một số tiền không nhỏ chút nào: 6.800 tỷ đồng. "Nếu không có đủ nguồn hàng này, chúng ta không những bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu mà còn ảnh hưởng đến hơn 200 cơ sở chế biến điều trong nước với khoảng 150.000 lao động có nguy cơ thiếu việc làm rất cao. Tất cả chỉ còn trông chờ vào vốn vay với lãi suất ưu đãi của nhà nước" - ông Học phân tích.
Giống điều kém chất lượng
Mặc dù là nước đứng đầu thế giới trong xuất khẩu nhân điều, nhưng việc Việt Nam không chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước đã là "rào cản" trong nhiều năm mà vẫn chưa khắc phục được. Tuy có yếu tố khách quan là năm nay nắng nóng, hạn hán kéo dài ảnh hưởng tới sản lượng, nhưng cái gốc của vấn đề vẫn nằm ở chỗ: “giống điều kém chất lượng, cho năng suất và hiệu quả kinh tế thấp” - kỹ sư Phạm Văn Nguyên, một chuyên gia trong ngành điều khẳng định.
Theo tính toán sơ bộ của chúng tôi, hiện 1ha điều cho năng suất chưa tới 1 tấn/năm. Trong khi đó, trồng tiêu cho năng suất tới 2,5 tấn/ha. Giá bán 1 tấn điều hiện nay được khoảng trên dưới 20 triệu đồng (trước chỉ được 12 triệu đồng), trong khi 1 tấn tiêu hiện nay bán được tới 80 triệu đồng, nếu tính mỗi ha tiêu được 2,5 tấn thì thu nhập đạt 200 triệu đồng/ha, gấp 10 lần trồng điều. Hoặc như trồng cao su cũng thu được 50 - 60 triệu đồng/ha. Hỏi như thế người dân không bỏ điều trồng cao su hay tiêu sao được?
“Vấn đề hiện nay là phải cải thiện cho bằng được chất lượng giống điều, chứ để giống điều ghép bà con đang trồng cho năng suất quá thấp. Nhiều nơi người dân phải chặt bỏ 35 - 40% diện tích vì vườn điều ra hoa nhưng không đậu trái. Có nơi ở Đăk Lăk chỉ đạt được 14 kg/ha" - kỹ sư Phạm Văn Nguyên - một chuyên gia trong ngành điều bày tỏ.
Nếu như năm 2006 có diện tích điều cao nhất với 444.200ha trong cả nước thì nay chỉ còn 393.000ha, riêng năm 2009 giảm trên gần 51.000ha. Dự báo, diện tích điều sẽ giảm xuống còn 350.000ha trong thời gian tới. Diện tích điều ngày càng giảm trong khi nhu cầu xuất khẩu ngày càng lớn. Theo Vinacas, ngành điều Việt Nam sẽ đứng trước thách thức trở thành nơi gia công nguyên liệu điều cho nước ngoài.
Ông Học cho biết, Vinacas đang cùng Bộ NN&PTNT gấp rút thành lập 1 trung tâm phát triển giống cây điều ở cấp quốc gia. Vinacas cũng xúc tiến hợp tác với Lào và Campuchia trong việc hỗ trợ giống điều, bởi vì quỹ đất của các nước láng giềng còn rất lớn.
Ngọc Minh - Hải Hân