Dân Việt

Nghìn năm di sản

20/08/2010 18:53 GMT+7
(Dân Việt) - Hà Nội nghìn năm tuổi cũng là 10 thế kỷ các di sản văn hoá tồn tại trên mảnh đất rồng thiêng. Mỗi người dân Hà Nội phải có ứng xử ra sao với kho báu mà cha ông để lại là một vấn đề cần suy ngẫm.
img
Ô Quan Chưởng- một di tích cổ của Hà Nội nằm ở phường Đồng Xuân, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Nếu tính cả thời Tiền Thăng Long, thì trên địa bàn Hà Nội bây giờ còn có thành Cổ Loa, từng là kinh đô nước ta từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên; còn có thành Hạ Lôi - thành Dền trên đất Mê Linh đô thành của Hai Bà Trưng năm 40 - 43; còn có Vạn Xuân - dấu tích nơi triều hội của Vua Lý Nam Đế ở Thanh Trì vào nửa đầu thế kỷ VI.

Hà Nội nối tiếp Thăng Long - Đông Đô tự hào với truyền thống anh hùng phát sáng suốt nghìn năm. Mười thế kỷ qua, con cháu Vua Hùng dòng dõi Rồng Tiên đã 7 lần chống giặc ngoại xâm. Giặc đến nhà, tất cả cầm gươm, cầm súng. Không chỉ trai tráng ra trận mà bạch đầu quân cũng hướng theo cờ nghĩa, thiếu niên cũng luyện võ, mài đao, đàn bà cũng vừa cày cuốc vừa đánh giặc.

Người Hà Nội sẽ đón bạn với nếp sống giản dị, cởi mở, chân tình, trong phong cách ứng xử giao tiếp thanh lịch, văn minh, hào hoa, phong nhã. Hoà nhập với hiện đại, với thế giới mà vẫn không đánh mất mình, vẫn giữ được nét riêng Hà Nội, đây mới là bản lĩnh của đất rồng bay.

Không chỉ xây dựng và bảo vệ đô thành, người Hà Nội còn "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Mưa bom bão đạn dội trên đầu, Hà Nội vẫn đối mặt với quân thù không khuất phục, xứng đáng với lời ngợi ca của bạn bè năm châu là "Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người".

Ngày nay, sau khi mở rộng lần thứ ba (1-8-2008), Hà Nội đã trở thành một trong những Thủ đô có diện tích lớn nhất và lâu đời nhất. Hà Nội giờ có núi cao Ba Vì làm điểm tựa phía Tây, núi Sóc với Phù Đổng Thiên Vương trấn phía Bắc, dãy Hương Sơn - Vua Bà làm phên dậu phía Nam.

Con sông Hồng bao viền một đoạn đầu rồi vắt ngang giữa lòng Hà Nội. Sông Đà cuộn sóng xứ Đoài. Len lỏi bên trong là sông Đuống, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tích, sông Tô… Nước non kỳ vĩ, mây phủ núi cai, thác đổ suối reo, hang động lộng gió, cánh rừng, đồng lúa, vườn cây, đầm hồ soi bóng bao đình, đền, chùa, tháp... Đúng là nơi "lắng hồn sông núi", nơi hội tụ tinh hoa trăm miền để làm nên một Hà Nội văn hiến, hào hoa, thanh lịch.

Bản lĩnh đất rồng bay

Còn đó 36 phố phường xưa với những ngôi nhà ống đặc thù đã phong rêu vẫn tồn tại trong "phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ" để "người về nhớ cảnh ngẩn ngơ". Một làng cổ Đường Lâm cũng làm ta xao xuyến tâm hồn, hoài niệm về cổng làng, cây đa, giếng nước, mái đình bao đời gắn bó. Đứng trước thềm điện Kính Thiên ngắm rồng đá cuốn khúc lại nhớ về một thuở vàng son lầu các uy nghi.

Còn đó Văn Miếu - Quốc Tử Giám, lò luyện nhân tài quốc gia đã hơn 900 năm tuổi, nơi lưu giữ bia đá tôn vinh tiến sĩ cho muôn đời sau. Mới đây, ngày 1-8, một tin vui làm nức lòng người Hà Nội và nhân dân cả nước là Hoàng thành Thăng Long được công nhận Di sản Văn hoá thế giới.

Với một kho tàng di sản văn hoá vật thể và phi vật thể đậm đặc bản sắc dân tộc, người Hà Nội luôn có ý thức trong việc bảo tồn, duy tu và phát huy giá trị truyền thống. Hàng trăm di tích lịch sử, văn hoá, kiến trúc, di tích cách mạng và kháng chiến đã được nâng cấp và trở thành những điểm đến cho du khách tới Hà Nội trong dịp kỷ niệm 1000 năm.

Từ phố phường nội đô đến các xóm làng ngoại thành, đâu đâu cũng đang náo nức chờ đón một sự kiện nghìn năm mới có một lần. Trong niềm vui ấy, càng phải nhớ rằng để di sản ngàn năm được vững bền cho con cháu mai sau, người Hà Nội càng phải biết “gìn vàng giữ ngọc”, biết tôn vinh những giá trị mà ông cha để lại.