Dân Việt

Bếp thiêng dưới mái nhà sàn

24/12/2010 07:09 GMT+7
(Dân Việt) - Với người Tày quê tôi, bếp lửa là một biểu tượng thiêng liêng, nó như linh hồn của mỗi ngôi nhà, như sức sống của mỗi gia đình giữa cộng đồng qua 4 mùa gió sương, mưa nắng.

Bước lên 9 bậc cầu thang, vượt qua ngưỡng cửa, ta sẽ chạm ngay bếp lửa đang cháy bập bùng, gia đình nào quên nhóm lửa dù chỉ 1 ngày thì ngôi nhà đã lạnh lẽo, cô quạnh lắm.

Ông tôi vẫn thường nhắc nhở con cháu và mọi người rằng: "Bếp lửa ngoài việc giúp nấu chín thức ăn, nước uống, sưởi ấm khi lạnh, dọa quỷ đuổi tà, nó còn là nơi hội tụ lửa hạnh phúc của mỗi nhà, thể hiện sự đoàn kết, keo sơn giữa cha con, anh em, vợ chồng. Phải giữ lửa cho bếp và không được phép phạm vào điều kiêng kỵ để Táo ông, Táo bà nổi giận...".

Điều kiêng kỵ mà ông nói là quy định từ bao đời, người Tày không bao giờ bước chân qua bếp, nhổ nước bọt vào than, không được dùng cọc chuồng trâu, chuồng lợn để đun vì những củi đó đã dính uế tạp.

Giống như người Kinh và một số dân tộc khác, người Tày lập bàn thờ ông Táo ngay cạnh bếp, cũng tiễn nhà Táo chầu trời vào ngày 23 tháng Chạp, nhưng đến tận tối mùng 1 Tết mới làm lễ đón Táo của năm mới. Đồng bào quan niệm rằng, khi năm mới đã sang được 1 ngày, đó chính là lúc thích hợp nhất để đón được một nhà Táo điềm đạm, đem lại may mắn cho bếp của gia đình mình.

Trong căn nhà sàn của ông tôi được truyền lại từ đời cụ kỵ có đặt 3 cái bếp. Bếp ở gian chính là bếp chủ chỉ dành cho đàn ông để tiếp khách nam giới và là nơi giữ lửa, ủ ấm cho cả gia đình. Bếp thứ hai được đặt cạnh giường của ông ở gian trái và thường được nhóm vào mùa đông, lúc giá rét, chân tay ông tê cứng khó đi lại. Bếp thứ ba được đặt ở cuối sàn, là bếp của mẹ, của các cô, các chị, tiếp khách nữ đến nhà, đây cũng là bếp chế biến thức ăn cho cả gia đình.

Ở bản quê tôi, gia đình nào đó dựng được căn nhà mới, họ sẽ phải thay bếp mới và cái bếp đó sẽ tồn tại song song cùng với tuổi thọ của ngôi nhà. Bếp chính ở gian giữa bao giờ cũng được làm rất cầu kỳ theo hình vuông, độ lớn nhỏ tỉ lệ thuận với kích thước nhà, nền bếp phải thấp hơn sàn nhà chừng 5- 7cm được nện bằng đất sét, xung quanh dùng gỗ tốt kê chắc chắn. Người ta có thể dùng 3 hòn đá được chọn từ núi về làm đầu rau bếp hoặc cũng có thể dùng kiềng 3 chân để kê.

Khi nhà và bếp mới đã xong, trước khi dọn vào ở, người ta phải thực hiện nghi lễ nhóm bếp. Gia chủ sẽ nhờ từ 3 - 5 người già có uy tín trong bản đến nhóm bếp và chúc phúc cho nhà mới. Trong căn nhà mới ấy, ngọn lửa ở bếp giữa sẽ được giữ cháy liên tục trong 1 ngày 1 đêm, nhiều nhà giữ trong 3 ngày 3 đêm với ước nguyện hơi ấm sẽ đượm vào từng ngóc ngách để gia đình đầm ấm, yên vui, ăn nên làm ra mãi mãi…