Dân Việt

Dâu tây Đà Lạt bất ngờ tăng giá

09/07/2012 07:05 GMT+7
(Dân Việt) - Mấy năm nay, đặc sản dâu tây Đà Lạt (Lâm Đồng) tưởng chừng bị xóa sổ, người dân bỏ chăm sóc vì thu nhập thấp. Mấy tháng trở lại đây, giá dâu tây tăng cao, đã làm “sống” lại cả vùng dâu tây một thời của Đà Lạt.

Một thời... rã đám

Theo khảo sát, tại chợ Đà Lạt, trong những ngày này, giá dâu tây giống Mỹ Đá bán được 55.000 đồng/kg, giá dâu New Zealand là 100.000 đồng/kg. Đây là giá gần ngang bằng với giá cao nhất của dâu tây Đà Lạt vào tháng 11.2010 (trung bình 90.000 đồng/kg; riêng giá dâu New Zealand là 120.000 đồng/kg).

img
Diện tích dâu tây Đà Lạt sẽ được phục hồi.

Tuy nhiên, đúng lúc được giá, thì diện tích dâu tây thực tế ở Đà Lạt chỉ còn không đến 25ha. Nguyên nhân, theo phản ánh của nhiều nông dân nơi đây là do dâu tây bị sâu bệnh tấn công liên tục.

Ông Võ Đức (ở phường 8, Đà Lạt) cho biết: “Trước đây, vườn dâu 3 sào của tôi được tiếng là miễn dịch, nhưng giờ sâu bệnh cũng gây hại liên miên, tôi đành phải nhổ bỏ”.

Anh Ngô Danh, chủ cơ sở buôn bán hàng đặc sản Danh Hòa (phường 8, Đà Lạt) cho biết: “Vườn dâu nhà tôi vừa là nơi sản xuất, vừa là nơi để khách hàng tham quan từ nhiều năm nay. Nhưng nay, tôi đành bó tay vì dịch hại trên loại cây trồng này”. Cũng theo anh Hòa, giá dâu tây Đà Lạt sụt giảm vì không thể cạnh tranh nổi với dâu tây Trung Quốc nên nhiều người muốn bỏ nghề trồng dâu.

Cũng trong vài năm qua, do giá dâu tây phập phù và sâu bệnh hoành hành dữ dội, không ít hợp tác xã dâu tây trên địa bàn TP. Đà Lạt đã phải “rã đám” hoặc phá bỏ hàng loạt diện tích để chuyển sang trồng hoa hoặc các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Sẽ phục hồi nhanh

Ông Hoàng Nghĩa, ở phường 6 (một trong những vựa dâu tây của Đà Lạt) cho hay: “Thú thật, tôi không hiểu tại sao giá dâu tây Đà Lạt mấy ngày qua lại tăng cao một cách… bất thường như vậy. Nếu so với thời điểm khoảng hơn một tuần trước, giá dâu tây hiện tại tới hơn 3 lần”. Do được giá, đã có nhiều nhà vườn ở phường 6 đang phá bỏ vườn hoa (đang rớt giá thê thảm) để trồng dâu tây. Cũng theo tiết lộ của ông Nghĩa, gần đây có một số tư thương “lạ” đang lùng mặt hàng dâu tây Đà Lạt.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, vấn đề lúc này đối với Đà Lạt là cần giữ cho bằng được thương hiệu dâu tây Đà Lạt trước sự “xâm lăng” của sản phẩm cùng loại của nước ngoài.

Tuy nhiên, điều đó đối với người dân Đà Lạt cũng không đáng lo, hiện họ đã có cơ sở để hy vọng sự phục hồi của nghề trồng dâu tây từ một nghiên cứu khoa học mới nhất để hạn chế sâu bệnh đối với cây dâu tây.

Theo PGS- TS Dương Tấn Nhựt – Phó Viện trưởng Viện Sinh học Tây Nguyên, chủ nhiệm đề tài “Hoàn thiện quy trình nhân giống và cung cấp cây giống dâu tây sạch bệnh, số lượng lớn cho các vùng trồng dâu tây tại Lâm Đồng” thì việc nhân giống dâu tây hoàn toàn sạch bệnh bằng kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào đã thành công.

Hơn thế, không chỉ tạo được giống dâu tây sạch bệnh mà nhóm tác giả này cũng đã nghiên cứu và ứng dụng theo mô hình điểm canh tác dâu tây bằng giàn treo ở Đà Lạt. Trong thực tế, một vài hộ nông dân ở Đà Lạt cũng đã bắt đầu thử nghiệm mô hình trồng dâu tây giàn treo trong nhà kính, nhà lưới.