Phóng viên NTNN đã có cuộc phỏng vấn chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành.
Ông Bùi Kiến Thành nói: Tiếc rằng ngoài thông tin 20.000 tỷ đồng, chưa có thông tin gì cụ thể như ngân hàng thương mại (NHTM) nào sẽ được triển khai chương trình này và những lĩnh vực cụ thể nào sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi.
Chế biến thuỷ sản gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn (ảnh minh hoạ). |
Thưa ông, lúc nào nông nghiệp, nông thôn cũng được đánh giá rằng là thế mạnh của nền kinh tế, sẽ giúp giải quyết những khi nền kinh tế gặp khó khăn… Tuy nhiên, nhiều ý kiến đánh giá có vẻ đó mới chỉ là cách nhìn nhận trên lý thuyết. Thực tế chưa được coi trọng như vậy?
- Tôi cho rằng lâu nay lĩnh vực nông nghiệp vẫn được Chính phủ rất coi trọng, đặc biệt là được đề cao trong mọi cuộc họp Chính phủ hay với chuyên gia kinh tế bởi lĩnh vực này luôn được xác định là lợi thế của Việt Nam. Nông nghiệp xuất khẩu 100% sản phẩm nội địa chứ không phải như hàng may mặc, chúng ta chỉ xuất khẩu lao động, gia công chỉ được 10 - 15% giá trị hàng xuất khẩu.
Vì vậy, nông nghiệp là lợi thế lớn của chúng ta. Ngoài ra, nông nghiệp còn cho chúng ta sự an toàn về lương thực, không phải như các nước khác có thể dễ dàng bị đói khi nền kinh tế gặp khó khăn. Nông nghiệp là hậu phương cực kỳ quan trọng của nền kinh tế; tạo công ăn việc làm, tạo môi trường thuận lợi để nguời nông dân không phải đi ra thành thị kiếm việc làm. Trên thực tế, thời gian qua đã có nhiều gói tín dụng ưu tiên cho nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, hầu hết đều chỉ là các chính sách chung chung nên việc giám sát hiệu quả gặp nhiều khó khăn.
Theo ông, tại sao việc giám sát hiệu quả còn gặp nhiều khó khăn?
- Chúng ta phải xem xét ai là người được tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng ưu đãi này. Gần đây nhất, Thủ tướng cho phép tạo nguồn tín dụng để mua tạm trữ 500.000 tấn gạo. Trên thực tế chỉ là Tổng Công ty Lương thực 1 và 2 vay. Chưa thấy nói tới việc cho doanh nghiệp tư nhân vay. Nên vấn đề mới chỉ nói đến việc rót tín dụng, còn trên thực tế ai được vay, chúng ta hoàn toàn không biết cụ thể.
Cũng như chúng ta chưa biết được những ngân hàng nào sẽ được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước giao cho việc triển khai gói tín dụng 20.000 tỷ lần này, bởi tôi biết không thể có chuyện 49 NHTM đều được tham gia vào chương trình này.
Một tình trạng phổ biến đang xảy ra là đầu tư dàn trải, lãng phí, không đúng mục tiêu. Theo ông, làm thế nào để khắc phục tình trạng này để cho vay tam nông đúng trọng tâm, cứu đúng ngành cần cứu?
- Tôi cho rằng, những chính sách cho vay cũng như ưu đãi về lãi suất vay phải cụ thể, rõ ràng. Từ trước đến nay cũng có nhiều dự án cho vay ưu đãi, nhưng chỉ với những đồng vốn nhỏ lẻ thông qua Ngân hàng Nông nghiệp cho nông dân vay 1-2 triệu đồng, hay cho hội viên hội phụ nữ vay 2 - 3 triệu đồng…
Tôi cho rằng, Bộ NNPTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là hai bộ phải xác định những mục tiêu, lĩnh vực cụ thể để công khai rộng rãi cho dư luận được biết về các dự án, chương trình cụ thể. Không nên chỉ đưa ra các chính sách chung chung rồi để dân chúng đoán mò (!).
Chẳng hạn như, với gói tín dụng lần này, liệu NHTM sau khi nhận được lãi suất từ NHNN là % thì với khoản chênh lệch lãi suất thông thường là 3%, liệu họ có thể được vay với lãi suất 3-4% hay không.
Ông Bùi Kiến Thành
Những lĩnh vực hay ngành nghề nào trong khu vực tam nông theo ông cần được rót vốn vào trong thời điểm này để đem lại hiệu quả?
- Chính phủ cũng đã nêu những lĩnh vực chủ lực như bây giờ là chế biến nông sản, sản xuất lúa gạo, lập nhà máy xay xát… hay lĩnh vực thủy sản có hàng chục công ty sản xuất thủy sản trong nước và xuất khẩu đang đói vốn. Đây là những thành phần tôi nghĩ cần được chú trọng cho vay lúc này, bởi là những lĩnh vực đang phát triển tốt, có thị trường tốt. Người trồng lúa gạo, nuôi thủy sản như cá tra, cá basa… đang gặp nhiều khó khăn cần được hỗ trợ nguồn lực đúng thời điểm.
Tình trạng doanh nghiệp thiếu vốn, đặc biệt là doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn trong khi ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm từ đầu năm đến nay. Theo ông, làm thế nào để đưa đồng vốn thực sự đến cho doanh nghiệp?
- Trước đây có quy định ngân hàng cho vay nhưng doanh nghiệp chưa trả được sẽ không được cho vay tiếp. Những quy định này trên thực tế gây khó khăn cho cả ngân hàng và doanh nghiệp trong những tháng vừa qua khiến cho việc doanh nghiệp thiếu vốn không thể tiếp cận được, trong khi ngân hàng thì thừa vốn. Vừa rồi, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các NHTM giảm lãi suất các hợp đồng cho vay cũ của doanh nghiệp xuống còn 15%.
Có nghĩa là Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần phải sớm cho ra đời những quy định mới, chẳng hạn như khoanh nợ cho doanh nghiệp để làm sao khai thông nguồn tín dụng chứ chỉ nói dành nguồn vốn với lãi suất hạ không thôi thì vẫn chưa đủ.
Xin cảm ơn ông!
Phương Hà (thực hiện)