Dân Việt

Lở đất ở Trung Quốc: Thiên tai hay nhân tai?

16/08/2010 07:33 GMT+7
(Dân Việt) - Khi chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng ở Châu Khúc, nhiều người đã đặt ra câu hỏi đâu là nguyên nhân của thảm họa này: “Thiên tai” hay “nhân tai”?

Tưởng niệm

Ngày 15-8, người dân trên khắp đất nước Trung Quốc đã dành ba phút im lặng để tưởng niệm 1.239 người thiệt mạng do trận lở đất kinh hoàng tại tỉnh Cam Túc.

Tại Bắc Kinh, hàng nghìn người tập trung trên quảng trường Thiên An Môn từ sáng sớm để xem lễ kéo cờ và sau đó lá cờ được treo rủ để tưởng nhớ các nạn nhân lở đất.

Còn ở làng Dongjie thuộc huyện Châu Khúc, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của trận lở đất, hơn 5.000 nhân viên cứu hộ và người dân làng đứng cúi đầu trước đống đổ nát và bùn đất để tưởng nhớ những người chết trong thảm họa này.

img
Những hình ảnh đáng thương như thế này có tại nhiều nơi ở Châu Khúc.

Trong khi đó, các lực lượng cứu hộ Trung Quốc vẫn hối hả dẹp bùn đất khỏi dòng sông Bạch Long tại Cam Túc. Công việc này trở nên cấp thiết vì theo dự báo của cơ quan khí tượng, mưa lớn sẽ xảy ra trong vài ngày tới.

Đất đá và các đống đổ nát trôi xuống dòng sông khiến nó bị tắc và tạo thành những hồ treo. Khoảng 45.000 người đã rời bỏ nhà cửa vì thiên tai và hàng nghìn người đang trú ẩn trong các túp lều tạm. Giới chức Trung Quốc cho hay đến nay vẫn còn 505 người mất tích.

Nỗi lo lớn nhất bây giờ là nước sạch và dịch bệnh bởi hầu hết nguồn nước ở Châu Khúc đã bị ô nhiễm nặng không thể sử dụng. Cả một vùng rộng lớn nồng nặc mùi xác chết trộn lẫn với mùi tanh nồng của bùn đất, khiến quang cảnh Cam Túc trở nên hoang tàn và chết chóc hơn bao giờ hết.

Hậu quả của tăng trưởng nóng?

Khi chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng ở Châu Khúc, nhiều người đã đặt ra câu hỏi đâu là nguyên nhân của thảm họa này: “Thiên tai” hay “nhân tai”? Hàng tấn đất bùn từ sườn núi cuồn cuộn chảy xuống kéo sập và san bằng mọi nhà cửa, dinh thự nằm trên dòng chảy của nó.

Trong một thời gian ngắn, mạng sống của cả nghìn người đã bị cướp đi. Đối với chính quyền Trung Quốc, chính thời tiết khắc nghiệt bất thường là nguyên nhân gây ra trận lở đất dữ dội nhất trong vòng 6 thập kỷ qua.

Theo Tân Hoa xã, các chuyên gia địa chất sẽ tiến hành điều tra kỹ lưỡng để tìm hiểu căn nguyên vụ lở đất. Nhưng trước mắt, họ cho rằng chính nạn hạn hán kéo dài gần 9 tháng tại Châu Khúc và trận động đất ở Tứ Xuyên năm 2008 đã làm cho nhiều nhánh núi bị giãn nở, gây ra hiện tượng rạn nứt địa chất, và dẫn đến trận lở đất kinh khủng vừa qua ở Châu Khúc.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia môi trường, thảm kịch ở Châu Khúc cũng như nhiều thiên tai khác xảy ra tại Trung Quốc trong thời gian gần đây là hệ quả của chính sách phát triển kinh tế tràn lan mà không đếm xỉa đến tác hại đối với môi trường.

Trong thời gian qua, các nhà hoạt động môi trường đã thường xuyên cảnh báo về hậu quả của việc chặt phá rừng tràn lan, xây dựng đường sá hay các đập thủy điện, thường là chủ trương của các chính quyền địa phương.

Nhật báo Kinh doanh Quốc gia ghi nhận: “Việc xây dựng các đập thủy điện nhỏ, khai thác quặng mỏ và xây dựng đường sá đã gây hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái và làm tăng nguy cơ lở đất”.

Năm 2010, Trung Quốc hứng chịu mùa mưa lũ tồi tệ nhất trong một thập kỷ qua. Mưa lũ ở 28 tỉnh thành, vùng miền đến nay đã khiến hơn 2.000 người chết, gây thiệt hàng hàng chục tỷ USD.