Dân Việt

Giữ “an toàn” cho làn điệu hát xoan

19/04/2013 08:23 GMT+7
(Dân Việt) - Lễ hội Vua Hùng 2013 cũng là dịp nhìn lại 1 năm Phú Thọ bảo tồn, phát huy giá trị hát xoan sau khi được UNESCO trao danh hiệu di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Theo ông Phạm Bá Khiêm - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ, qua khảo sát, trên địa bàn chín huyện thuộc Phú Thọ và Vĩnh Phúc, có 18 xã vẫn còn thực hành hát xoan cổ tại 31 cửa đình. Số nghệ nhân ở độ tuổi hơn 60 được xác định là 69 người, trong đó có 8 cụ còn nắm được lượng bài bản nhiều nhất và đủ sức truyền dạy. Số còn lại đa phần tuổi cao sức yếu, có cụ tuổi đã 106, vốn liếng xoan cổ cũng tản mát dần.

img
Biểu diễn hát Xoan của các nghệ nhân Phú Thọ

Phú Thọ đã xây dựng quy chế về phong tặng danh hiệu nghệ nhân hát xoan cùng một số cơ chế, chính sách đãi ngộ. Đã có 34 nghệ nhân (trong đó có 3 cụ ở Vĩnh Phúc) được vinh danh và tặng quà (mỗi cụ 5 triệu đồng). Ngành VHTTDL Phú Thọ cũng thể hiện sự tích cực trong việc tổ chức được một số lớp cho các nghệ nhân truyền dạy xoan cổ, xuất bản ấn phẩm sách, đĩa CD, VCD hát xoan và phối hợp với các đài truyền hình làm chương trình giới thiệu rộng rãi về di sản hát xoan. Sở GDĐT tỉnh cũng đang thực hiện đề tài khoa học đưa hát xoan vào trường học và sẽ phối hợp Sở VHTTDL để triển khai.

Điều vẫn cần lưu ý với ngành VHTTDL Phú Thọ trong việc bảo tồn di sản hát xoan là phải giữ di sản cho đúng với đặc trưng nguyên thủy nhất có thể biết được. Và bảo tồn đồng nghĩa với bảo vệ hát xoan cổ truyền được “an toàn” trước mọi ý định cải tiến hay những hứng thú bất chợt muốn bổ sung, nâng cấp. Còn việc phát huy, tìm tòi thử nghiệm nhằm phát triển hát xoan nên đặt thành chương trình riêng và cần tham khảo những nhà chuyên môn uy tín ở trong và ngoài tỉnh. Phát huy, phát triển cần dựa trên nền tảng xoan cổ để “xoan mới” không bị biến dạng, xa rời gốc cội.