Dân Việt

Điêu đứng vì thủy tặc

19/08/2010 05:41 GMT+7
(Dân Việt) - Dân nuôi trồng thủy sản trên phá Tam Giang, Thừa Thiên- Huế đang điêu đứng trước tình trạng thủy tặc ngang nhiên trộm, cướp thủy sản bằng xung điện.
img
Hồ nuôi thủy sản của ông Trần Hữu Thế ở làng An Xuân từng nhiều lần bị thủy tặc tấn công.

Cướp của, đánh cả công an

Tối 6-8, hơn 10 thủy tặc điều khiển 5 chiếc thuyền đuôi tôm ngang nhiên xông vào hồ cá của gia đình ông Trần Đình Xuân ở đội 4, làng An Xuân, xã Quảng An, huyện Quảng Điền rồi dùng xung điện đánh bắt. Ông Xuân bơi thuyền ra đuổi thì bị chúng dùng xung điện và dao, rựa tấn công. Không thể chống lại số đông thủy tặc hung hãn, ông Xuân phải chạy thoát thân, để lại hồ cá cho thủy tặc tự do “thu hoạch”. “Hồ cá của tui bị cướp sạch, bao nhiêu vốn liếng, công sức bỏ ra để rồi trắng tay”- ông Xuân buồn nói.

Cạnh đó, các hồ nuôi cá, cua của ông Trần Hữu Thế cũng nhiều lần bị thủy tặc tấn công. Gần đây nhất, vào tối 30-7, 15 thủy tặc điều khiển 9 chiếc thuyền vào các hồ nuôi của ông Thế ồ ạt đánh bắt bằng xung điện. Ông Thế truy đuổi thì bị những đối tượng này đánh hội đồng một trận nhừ tử rồi bỏ đi. Tình trạng thủy tặc ngang nhiên cướp thủy sản tại hồ nuôi rồi đánh người như trường hợp của ông Xuân và ông Thế xảy ra rất phổ biến ở xã Quảng An khiến, người dân hết sức hoang mang.

Ông Trương Ngọc Thọ - một người dân làng An Xuân lo lắng: “Đêm nào cũng có dăm chục chiếc thuyền của thủy tặc lượn lờ ngoài phá rồi xông vào cướp cá, tôm của dân. Nhiều hộ bị cướp trắng trợn nhưng không dám ho he vì sợ chúng đánh, những hộ báo công an thì bị phá hồ nuôi khiến cá tôm đi sạch, thiệt hại hàng trăm triệu đồng”.

Nghiêm trọng hơn, thủy tặc còn đánh cả lực lượng công an địa phương khi bị truy bắt. Mới đây, khi truy bắt, lực lượng công an xã Quảng An đã bị thủy tặc đánh hội đồng bằng xung điện và hung khí khiến công an viên Trần Quang Thiện bị trọng thương. Trước đó, ông Võ Đà - Trưởng Công an thị trấn Sịa (huyện Quảng Điền) cũng phải điều trị dài ngày tại bệnh viện vì bị thủy tặc tấn công.

Cần sự hỗ trợ

Cũng như Quảng An, người nuôi trồng thủy sản tại nhiều xã ven phá Tam Giang khác như Quảng Lợi, thị trấn Sịa (huyện Quảng Điền), Phú Mỹ, Vinh Hà (huyện Phú Vang), Lộc Điền (huyện Phú Lộc)… đang điêu đứng trước nạn trộm cướp ngày càng gia tăng của thủy tặc.

Theo ông Đặng Văn Chúng - Trưởng Công an xã Quảng An, thủy tặc hoành hành trên trên địa bàn xã đến từ các xã Hương Vinh, Hương Phong thuộc huyện Hương Trà và phường An Hòa của TP. Huế. Để tăng hiệu quả cướp bóc, những đối tượng này sử dụng kích điện mạnh gấp 2-3 lần điện lưới thông thường. Loại kích điện này không chỉ gây hại trên phạm vi rất rộng mà còn có khả năng hút được thủy sản về một chỗ để tận diệt. “Tình trạng này gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho người dân và làm hủy diệt môi trường đầm phá nhưng do địa phương thiếu phương tiện truy bắt trong khi thủy tặc rất hung hãn nên đành bó tay”- ông Chúng nói.

Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Quang Vinh Bình- Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, việc xử lý thủy tặc trên phá Tam Giang của Chi cục gặp rất nhiều khó khăn do nguồn lực quá hạn hẹp. Lực lượng kiểm ngư của Chi cục chỉ có 3 công chức, 7 hợp đồng mùa vụ, tàu thuyền để tuần tra, xử lý cũng thiếu trong khi diện tích đầm phá quá rộng.

Để khắc phục khó khăn, Chi cục đã thành lập 50 chi hội nghề cá nhằm quản lý các diện tích đầm phá, chống nạn khai thác hủy diệt nhưng hiệu quả cũng không đáng kể do các chi hội nghề cá thiếu kinh phí để hoạt động. Lực lượng này phải tổ chức tuần tra cả ngày lẫn đêm mới có thể bảo vệ diện tích đầm phá được giao nhưng lại không có kinh phí để đổ dầu và sửa chữa phương tiện…