Dân Việt

Cơ quan quản lý phải ra tay

21/08/2010 09:32 GMT+7
(Dân Việt) - Đó là khẳng định của ông Vũ Đình Ánh-nguyên Viện Phó Viện Khoa học giá cả (Bộ Tài chính) về quản lý giá cả sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỉ giá.

Ông Ánh cho biết: Việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỉ giá là hoàn toàn hợp lý, không thể làm gia tăng lạm phát. Bởi lạm phát còn do tác động của nhiều yếu tố khác, chứ không chỉ do riêng vấn đề tỉ giá. Nếu Ngân hàng Nhà nước không điều chỉnh tỉ giá lúc này thì những sức ép khác cho nền kinh tế còn kinh khủng hơn, do vậy tôi hoàn toàn ủng hộ việc điều chỉnh tỉ giá vừa qua.

Ông có cho rằng khó tránh được tình trạng "té nước theo mưa" của nhiều loại hàng hóa sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỉ giá?

- Chính vì thế chúng ta mới cần các cơ quan nhà nước quản lý để điều này không xảy ra hay chí ít cũng giảm thiểu được tác hại của nó. Ví dụ thời gian qua, TP.HCM đã áp dụng chính sách cho một số doanh nghiệp trên địa bàn vay vốn không lãi suất để ổn định giá cả hàng hóa, thậm chí ổn định giá (giữ giá) đến cuối năm và cả Tết Nguyên đán. CPI của TP.HCM tháng vừa qua vì thế đã giảm. Đây có thể coi là giải pháp "tuyệt vời" tại sao chúng ta không áp dụng, chưa kể còn nhiều giải pháp khác nữa.

Theo ông, phải có giải pháp nào để kiềm chế lạm phát?

- Điều này phụ thuộc vào tài lãnh đạo của chúng ta. Nếu chúng ta áp dụng đúng giải pháp thì sẽ kiểm soát được lạm phát, nếu không thì ngược lại. Đúng giải pháp theo tôi có thể là các cơ quan nhà nước phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá và đặc biệt phải công khai thông tin về giá, nhất là đối với các nguyên nhiên vật liệu cơ bản và hàng tiêu dùng thiết yếu. Hai là kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá với phương án giá của các hàng hóa, dịch vụ độc quyền; hàng hóa thuộc danh mục nhà nước (cả T.Ư và địa phương) định giá... Những điều này chúng ta đang để nhiều "lỗ hổng".

Xin cảm ơn ông!