Lắp ráp xe đạp ở doanh nghiệp nhựa Chợ Lớn (quận 5, TP.HCM) - đơn vị có hợp tác kỹ thuật với một công ty Đài Loan. |
Ngay sau thông tin cảnh báo về việc ngăn ngừa hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá mặt hàng mắc áo xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ (NTNN ngày 18-7 đã đưa tin), mới đây, Bộ Công Thương lại tiếp tục có công văn đề nghị Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), Bộ KH&ĐT và các địa phương trong cả nước phối hợp giám sát mặt hàng xe đạp xuất khẩu vào thị trường EU và các dự án đầu tư mới trong ngành xe đạp.
Theo Bộ Công Thương, hiện nay mặc dù EU đã bãi bỏ thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng xe đạp của Việt Nam nhưng vẫn tiếp tục áp dụng thuế này với các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc (mức thuế chống bán phá giá trung bình đối với xe đạp Trung Quốc là 48,5%). Chính vì vậy một số doanh nghiệp sản xuất xe đạp của Trung Quốc đã lợi dụng điều này để chuyển bất hợp pháp xe đạp vào Việt Nam rồi xuất khẩu sang EU nhằm trốn thuế chống bán phá giá của thị trường này.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, hiện có ba hình thức chuyển bất hợp pháp mặt hàng xe đạp vào Việt Nam. Một là, làm giả giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) của Việt Nam để hưởng mức thuế nhập khẩu thấp mà các nước nhập khẩu áp dụng với Việt Nam so với mức thuế nhập khẩu áp dụng cho nước khác.
Hai là, nhập khẩu xe đạp nguyên chiếc vào Việt Nam, sau đó đóng gói với nhãn mác “Made in Vietnam” và xin giấy chứng nhận xuất xứ của Việt Nam để hưởng mức thuế thấp như trên.
Ba là, đầu tư nhà máy đơn giản tại Việt Nam, sau đó nhập khẩu gần như toàn bộ linh kiện của nước ngoài và lắp ráp tại Việt Nam, rồi xin giấy chứng nhận xuất xứ của Việt Nam dù chưa đủ tiêu chuẩn về giá trị gia tăng để xuất khẩu.
Việc EU bãi bỏ thuế chống bán phá giá đối với xe đạp của Việt Nam từ 15-7-2010 sẽ mang lại cơ hội và lợi thế cho các doanh nghiệp Việt Nam để có thể phục hồi xuất khẩu sang châu Âu. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cảnh báo nếu không ngăn chặn kịp thời hiện tượng các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hoạt động nhằm mục đích trục lợi, trốn thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp thì không những ngành xe đạp của Việt Nam có nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá trở lại mà còn có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ ngành sản xuất của Việt Nam.
Ngoài ra, điều này sẽ tạo tiền lệ xấu khi cơ quan điều tra của nước ngoài (đặc biệt là Hoa Kỳ và EU) điều tra Trung Quốc nhưng mở rộng cả Việt Nam và áp dụng biện pháp chống bán phá giá, trợ cấp hoặc tự vệ cho hàng xuất khẩu của cả Việt Nam và Trung Quốc.
Thạch Bình