Cuối tuần qua, Hội thảo phát triển bền vững chuỗi giá trị lúa gạo ở ĐBSCL (từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ) đã diễn ra tại TP. Long Xuyên (An Giang). Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Hướng tới sản xuất lúa bền vững ở châu Á thông qua giảm tổn thất trước và sau thu hoạch” do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ; Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) phối hợp với các viện - trường trong nước thực hiện tại 3 quốc gia: Việt Nam, Campuchia và Philippines.
Thu hoạch lúa theo kiểu thô sơ, truyền thống ở An Giang. |
Đông đảo các nhà khoa học đến từ IRRI, các viện trường trong nước và ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu lúa gạo lớn tại ĐBSCL đã quan tâm đến dự. Vấn đề được quan tâm chính tại hội thảo này chính là “ứng dụng các công nghệ tiên tiến, những biện pháp quản lý thu hoạch và sau thu hoạch; kết hợp với tiếp cận thị trường tiêu thụ; làm giảm tổn thất sau thu hoạch lúa gạo, nâng cao thu nhập cho nông dân...
Dù vấn đề nói trên đã được nhắc đến nhiều, nhưng để làm được cả khu vực ĐBSCL (cả khối nhà nước và tư nhân) cần được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, đẩy mạnh các hoạt động khuyến nông và khuyến công. Theo nhiều đại biểu, cản ngại lớn nhất của hạt gạo Việt là sản lượng - chất lượng cao, nhưng giá bán lại thấp và không có “vị thế” trên thị trường thế giới.
Vì vậy, các đại biểu cùng đề xuất, lúa gạo Việt Nam cần phải được xây dựng thương hiệu trước khi đưa đi xuất khẩu. Cách thức xuất khẩu cũng cần chuyển đổi từ hình thức “bán hàng chợ” sang “bán hàng hiệu”, nhằm tăng giá trị sản phẩm và làm lợi cho nhà nông. GS.TS Võ Tòng Xuân, nhấn mạnh: “Cần phải có Chính sách nông nghiệp thời WTO.
Nhà nông phải biết liên kết sản xuất theo cụm liên kết để tạo ra sản lượng lớn, đảm bảo các tiêu chuẩn, chất lượng… cung cấp cho thị trường với giá cạnh tranh và có lợi hơn”.
Quốc Huy