Dân Việt

Người khuyết tật khó học nghề

12/07/2012 18:47 GMT+7
(Dân Việt) - "Dạy nghề cho lao động bình thường đã khó, dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật lại càng khó khăn hơn" - ông Đặng Văn Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thương binh và người khuyết tật Việt Nam thừa nhận.

Có nghề vẫn thất nghiệp

Anh Nguyễn Văn Trọng (Hoằng Long, Hoằng Hoá, Thanh Hoá) bị khuyết tật vận động phải di chuyển trên xe lăn, nhưng vẫn còn sức lao động. Năm 2010, anh được chính quyền xã tạo điều kiện cho học nghề may. Sau 6 tháng học nghề, anh vào làm cho công ty tư nhân, nhưng vì công việc vất vả, thường xuyên phải theo ca kíp nên anh đành nghỉ việc. Kể từ đó tới nay, anh Trọng chưa hề xin được công việc nào mới. Cùng chung hoàn cảnh với anh Trọng, nhiều người khuyết tật đã cố gắng học nghề nhưng học xong vẫn thất nghiệp.

img
Trung tâm Dạy nghề và phục hồi chức năng người tàn tật tỉnh Bắc Ninh
dạy nghề làm thiếp cho người khuyết tật.

Theo ông Trương Văn Ven - Chủ tịch Hội Người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện Hoằng Hóa: "Hiện nay, việc học nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật trên địa bàn vẫn còn yếu. Chủ yếu dạy và học theo kiểu người biết nhiều dạy người biết ít chứ chưa có bất cứ một chương trình dạy nghề bài bản nào. Đa số vẫn là chương trình dạy nghề đại trà tại địa phương, trong đó ưu tiên dạy nghề cho một số đối tượng khuyết tật đặc biệt. Hiệu quả dạy và học nghề không cao là điều dễ hiểu".

Cũng theo ông Ven, dù có nghề nhưng bản thân người lao động khuyết tật vẫn khó có cơ hội tìm kiếm việc làm. Thiếu kỹ năng sống, kỹ năng nghề và sức khoẻ yếu là những rào cản khiến họ khó tiếp cận với doanh nghiệp.

Cơ sở dạy nghề quá ít

Hiện nay, cả nước có hàng nghìn cơ sở dạy nghề từ tuyến trung ương tới địa phương, nhưng số cơ sở chuyên dạy nghề cho người khuyết tật còn quá ít. Tại Trung tâm Dạy nghề và phục hồi chức năng người tàn tật tỉnh Bắc Ninh, từ năm 2007-2012, trung tâm đã dạy nghề cho 2.000 người khuyết tật. Số đối tượng diện này được giải quyết việc làm chiếm 60-70%. Người khuyết tật chủ yếu được đào tạo nghề may công nghiệp, thêu ren, mây tre đan.

Bà Nguyễn Thị Tân- giáo viên của trung tâm cho biết: "Dạy nghề cho người khuyết tật khó khăn, vất vả hơn rất nhiều so với dạy nghề cho người bình thường. Đối với nghề may công nghiệp, nếu như người bình thường chỉ học trong 3 tháng là thành thạo thì với người khuyết tật, khóa học phải kéo dài 7 - 9 tháng, thậm chí đến 12 tháng. Người khuyết tật có nhiều hạn chế như trình độ văn hóa thấp, nhận thức chậm".

Cả nước hiện có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật, trong đó 37% là hộ nghèo; 24% ở nhà tạm; 34,4% từ 6 tuổi trở lên chưa biết chữ; 21% chưa tốt nghiệp tiểu học; 88,94% người khuyết tật từ 16 tuổi trở lên chưa được đào tạo chuyên môn. Đây là những cản trở người khuyết tật tiếp cận học nghề, tìm việc làm.

Do đó, các giáo viên thường phải dạy tỉ mỉ, chi tiết, sử dụng biện pháp cầm tay uốn nắn. Ngoài ra, các thầy cô còn phải nắm bắt tâm lý của các học viên, từ đó điều chỉnh phương pháp giảng dạy phù hợp. Hiện nay, để giảm bớt khó khăn cho người tàn tật, trung tâm đã liên kết với nhiều cơ sở khác như HTX mây tre đan, may mặc… trên địa bàn để dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật.

Tuy nhiên, số trung tâm dạy nghề và phục hồi chức năng cho người tàn tật hoạt động hiệu quả như Bắc Ninh không nhiều.

Ông Đặng Văn Thanh thừa nhận: Những trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật trong cả nước rất ít, hoặc có thì hoạt động không mấy hiệu quả do thiếu trang thiết bị, máy móc, giáo viên và giáo trình dạy nghề.

Vì vậy, hầu hết người khuyết tật chưa có việc làm và phải sống dựa vào gia đình hoặc trợ cấp xã hội. Trường hợp có việc làm thì công việc chủ yếu là làm nông nghiệp. Chỉ 5% làm việc trong lĩnh vực dịch vụ, buôn bán và một số ít làm việc trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và hành chính sự nghiệp. Đây là thiệt thòi lớn cho người khuyết tật.