Liên quan đến vụ Công ty TNHH Tiền Hậu (TP.HCM) kiện Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình về việc ra quyết định xử phạt trái phép 608 con ba ba của doanh nghiệp này, ngày 12.7, trao đổi với phóng viên NTNN, ngành kiểm lâm, thuỷ sản khẳng định UBND tỉnh Quảng Bình sai.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình ra quyết định xử phạt Công ty Tiền Hậu với lý do lô hàng này thuộc loại động vật hoang dã (loại động vật lưỡng cư), có nguồn gốc lâm sản. Loài ba ba này đã được xác định là ba ba trơn, có tên latin là Trionyx sinensis.
Quyết định xử phạt của tỉnh Quảng Bình đã khiến người nông dân nuôi ba ba ở nhiều địa phương bức xúc. Trong ảnh, nông dân Đồng Tháp xuất bán ba ba. |
Về vấn đề này, ông Dương Tiến Thể - Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) khẳng định: "Ba ba có tên latin là Trionyx sinensis thuộc loài ba ba hoa, là đối tượng được nuôi và sản xuất thông thường theo Quyết định 57 của Bộ trưởng Bộ NNPTNT ngày 2.5.2008 về Danh mục giống thủy sản được phép sản xuất, kinh doanh".
Theo danh mục này, ba ba hoa được xếp vào nhóm B (nhóm các đối tượng nuôi nước ngọt), mục IV (giống các loài lưỡng cư), cùng với ba ba gai, ba ba Nam Bộ… là những giống thủy sản được phép sản xuất, kinh doanh.
Ông Thể cho biết: "Với loài ba ba trên, khi vận chuyển, chủ hàng chỉ cần có giấy kiểm dịch (của thú y-PV) là được. Ngoài ra, không cần thêm bất cứ loại giấy tờ nào, vì đây không phải là loài động vật quý hiếm".
Ông Thể bức xúc: “Đích thân chúng tôi là cơ quan quản lý loài ba ba này và tôi xin khẳng định việc xử phạt của UBND tỉnh Quảng Bình là sai hoàn toàn”. Theo ông Thể, ở đây có thể do tỉnh Quảng Bình không cập nhật các văn bản quy định của Bộ NNPTNT.
Khuyến khích nuôi ba ba làm giàu
Hiện nay, tại thôn chúng tôi (thôn Văn Hưng, Cát Thịnh, Văn Chấn, Yên Bái) có trên 100 hộ nuôi ba ba. Không ít hộ thu nhập cả tỷ đồng một năm. Do mang lại hiệu quả kinh tế cao, huyện Văn Chấn đã áp dụng chính sách khuyến khích nuôi ba ba bằng cách mở lớp tập huấn kỹ thuật, tổ chức các buổi trao đổi truyền đạt kinh nghiệm nuôi ba ba… Vì vậy, số hộ nuôi ba ba ở thôn Văn Hưng tăng dần và phát triển thành làng nghề. Ba ba là loài thủy sản được chăn nuôi thông thường nên tôi nghĩ cần khuyến khích việc nuôi ba ba để người nông dân có thể làm giàu.
Trần Nam Hưng
(thôn Văn Hưng, Cát Thịnh,
Văn Chấn, Yên Bái)
Cũng về vấn đề này, ông Đỗ Danh Tùng- Phó Giám đốc Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam (cơ quan Quản lý của Việt Nam thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp) khẳng định: "Ba ba trơn là loài được tự do nuôi nhốt, tiêu thụ, mà không chịu bất kỳ một sự quản lý nào. Chỉ có ba ba đầu đinh mới là loài động vật hoang dã cần được bảo vệ và cấm nuôi, tiêu thụ".
Do đó, theo ông Tùng, ba ba trơn được tự do lưu thông, không cần bất cứ một loại giấy tờ nào của kiểm lâm. Còn việc UBND tỉnh Quảng Bình ra quyết định xử phạt đối với Công ty Tiền Hậu như thế là hoàn toàn không được, việc áp dụng mức xử phạt như vậy cũng không đúng với quy định.
Trong một diễn biến khác, ngày 12.7, trao đổi với phóng viên NTNN, ông Trần Đình Quyết - Giám đốc Công ty TNHH Tiền Hậu cho biết: "Có khoảng trên 500 hộ nuôi ba ba trơn nằm rải rác ở các tỉnh Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu… cung cấp cho công ty ông. Riêng Tây Ninh, khu vực gần hồ Dầu Tiếng tập trung khoảng gần 100 hộ.
Điển hình như hộ ông Trần Văn Tư (Tư Lùn), hộ ông Tám Toại ở tổ 9, ấp Phước An, xã Phước Ninh, Dương Minh Châu, Tây Ninh với tổng sản lượng tiêu thụ trung bình hàng năm của Tiền Hậu khoảng 350 - 400 tấn".
Theo ông Quyết, nếu nơi nào cũng xử lý như UBND tỉnh Quảng Bình, thì các hộ chăn nuôi ba ba hết sức khó khăn. Ngoài ra, nếu cứ áp dụng quy định khi vận chuyển và buôn bán ba ba phải có giấy của kiểm lâm thì không siêu thị nào dám tiếp tục đưa ba ba của nông dân lên kệ hàng, nông dân hết đường tiêu thụ sản phẩm".
Lê Hân - Sỹ Lực