Phô diễn nét độc đáo
Được xem là sự kiện trọng điểm của Bộ VHTTDL chào mừng Quốc khánh 2.9 năm nay, Những ngày văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội đã được chuẩn bị hết sức kỹ càng và chu đáo với sự tham gia của 5 tỉnh Tây Nguyên gồm Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và TP.Hà Nội.
Những lễ hội độc đáo của người dân Tây Nguyên sẽ được tái hiện tại Hà Nội. |
Ông Hoàng Đức Hậu - Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTTDL) cho biết: “Chúng tôi sẽ cố gắng mang những đặc trưng văn hóa tiêu biểu nhất của cả vùng Tây Nguyên rộng lớn, mang những cơn gió đại ngàn về Hà Nội trong dịp mùa thu lịch sử này, dù có thể chưa đầy đủ toàn bộ nhưng chắc chắn những ai chưa một lần đặt chân đến vùng cao nguyên sẽ có một trải nghiệm thú vị.
Mỗi tỉnh sẽ có một khu trưng bày riêng giới thiệu đặc sản văn hóa của mình, ví dụ nhìn vào 5 cây nêu dựng lên ở trung tâm khu trưng bày ở Triển lãm Vân Hồ, khán giả sẽ thấy sự khác nhau rất phong phú của 5 tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên”.
Theo Ban tổ chức, khu trưng bày của tỉnh Đăk Lăk độc đáo với chủ đề âm nhạc, trang phục và trình diễn nghề thủ công: Dệt thổ cẩm, đan lát, chế tác nhạc cụ của các nghệ nhân dân gian “báu vật nhân văn sống” là thông điệp giới thiệu về vùng đất, thiên nhiên, con người cũng như lịch sử hình thành và phát triển của cư dân bản địa Đăk Lăk như các dân tộc Êđê, Mnông, Jarai.
Bên cạnh đó, khu trưng bày của tỉnh Kon Tum lại nhấn mạnh vào chủ đề “Ấn tượng văn hóa bắc Tây Nguyên” để giới thiệu bức tranh văn hóa đa dạng, đặc sắc của các dân tộc bản địa Kon Tum thông qua hình ảnh, sưu tập hiện vật: Công cụ sản xuất, công cụ săn bắn và đánh bắt, đồ dùng sinh hoạt, trang phục, trang sức...
Hội tụ sắc màu văn hóa
Với sự góp sức của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Viện Nghiên cứu Văn hóa (thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam) và các nhà quản lý, các chuyên gia, trong những Ngày văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội sẽ dày đặc các sự kiện văn hóa độc đáo.
Trong đêm khai mạc được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2, VTV5 vào 20 giờ ngày 28.8, khán giả cả nước sẽ được thưởng thức các tiết mục trình diễn “Drông tuê” (mời rượu đón khách) dân ca, dân vũ, trình diễn trang phục truyền thống của các dân tộc Ba Na, Xêđăng, Mnông, Cơ Ho, Ê Đê, Jarai, Giêriêng, Brâu, Churu… Và đặc biệt, Ban tổ chức đã lên kế hoạch cho một tiết mục hòa tấu cồng chiêng và độc đáo nhất là sẽ mời một nghệ nhân lên kể khan sử thi.
Hàng loạt sự kiện văn hóa hấp dẫn khác cũng được khai mạc sau đó như Triển lãm “Sử thi Tây Nguyên” trưng bày hơn 100 tác phẩm của kho tàng sử thi Tây Nguyên của các dân tộc. Triển lãm “Cổ vật Tây Nguyên” trưng bày 150 hiện vật cổ do Trung tâm UNESCO nghiên cứu và bảo tồn cổ vật Việt Nam cung cấp như: Nhạc cụ, đồ trang sức, trang phục… của người Tây Nguyên.
Triển lãm tranh “Sắc màu Tây Nguyên”, Triển lãm ảnh nghệ thuật “Tây Nguyên tự tình”, các bộ sưu tập cá nhân “Hiện vật Tây Nguyên” giới thiệu những công cụ lao động, săn bắt, nhạc cụ, đồ đựng, đồ đun nấu, trang sức, thổ cẩm… cùng các tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài Tây Nguyên.
Sẽ có 4 cuộc giao lưu, tọa đàm mang tên “Tây Nguyên – Những năm tháng không quên”, “Gặp gỡ Tây Nguyên”, “Âm vang Tây Nguyên” và “Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo và đa dạng của Tây Nguyên” được tổ chức với sự tham gia của rất nhiều chuyên gia, nhà văn hóa gắn bó với Tây Nguyên.
Lê Tâm