Dân Việt

Nhập khẩu lúa mỳ tăng đột biến

25/08/2010 15:36 GMT+7
(Dân Việt) - Nhập khẩu lúa mỳ năm 2010 mới qua 7 tháng đã ở mức rất cao, không chỉ làm cho các chuyên gia mà còn làm cho không ít chủ doanh nghiệp chế biến thực phẩm, sản xuất bánh kẹo, chế biến thức ăn chăn nuôi ngỡ ngàng.

Theo thống kê, 7 tháng qua, cả nước đã nhập 1,44 triệu tấn lúa mỳ, lớn hơn mức nhập khẩu cả năm 2009 và gấp hơn 2 lần mức nhập khẩu cả năm 2008. Sự tăng đột biến của nhập khẩu lúa mỳ được các nhà phân tích lý giải bằng hai yếu tố- vừa mang tính tích cực, vừa là hạn chế, bất cập ở trong nước.

img
Nông dân Trung Quốc thu hoạch lúa mỳ

Khả năng dự báo tăng lên

Tính tích cực được thể hiện ở chỗ năng lực phân tích dự báo- một điểm còn hạn chế bất cập trong thời gian qua- nay đã được nâng lên; đồng thời cũng thể hiện ở sự phản ứng thông minh của nhiều doanh nghiệp ở trong nước.

Năng lực phân tích dự báo thể hiện ở hai mặt. Một mặt đã có sự so sánh giá cả giữa ngô và lúa mỳ. Khi sản lượng ngô năm 2009 bị giảm so với năm 2008 (giảm khoảng 160 nghìn tấn), vừa làm cho lượng ngô làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi bị giảm, vừa làm cho giá ngô sản xuất ở trong nước tăng và ở mức cao hơn giá lúa mỳ nhập khẩu (5.500- 5.600 đồng/kg so với 4.200- 4.500 đồng/kg), thì các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đã dùng bột mỳ để thay thế ngô, nên đã gia tăng nhập khẩu lúa mỳ.

Mặt khác, các doanh nghiệp đã theo sát diễn biến tình hình thời tiết và cung cầu lương thực trên thế giới đã dự đoán được giá lương thực nói chung và giá lúa mỳ nói riêng đang ở mức rất thấp sẽ tăng nhanh. Thực tế dự đoán này khá chính xác, khi Liên bang Nga bị hạn hán đã giảm sản lượng lúa mỳ và đưa ra lệnh cấm, tạm dừng xuất khẩu lúa mỳ, Trung Quốc, Pakistan đẩy mạnh nhập khẩu gạo,… Giá lương thực, đặc biệt là giá lúa mỳ đã tăng rất cao (tại Mỹ đã tăng 80% so với tháng trước và cao nhất trong 23 năm qua).

Cân nhắc nhập khẩu lúa mỳ

Khi giá gạo xuất khẩu tăng lên và giá lúa mỳ nhập khẩu còn tăng với tốc độ cao hơn, thì cần hết sức cân nhắc việc gia tăng nhập khẩu lúa mỳ.

Sự phản ứng của các doanh nghiệp trước các phân tích, dự báo trên được coi là thông minh chính là vừa đẩy nhanh tiến độ, vừa gia tăng khối lượng lúa mỳ nhập khẩu qua các tháng (tăng mạnh từ tháng 2 đến tháng 4, tiếp tục ở mức cao trong tháng 5, tháng 6, chỉ thấp hơn trong tháng 7 khi giá nhập khẩu tăng lên).

Tuy nhiên, việc “ngỡ ngàng” nói ở trên không phải là không có lý, bởi Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn, nguồn cung tăng, đầu năm gặp khó khăn về giá, lượng gạo tồn đọng lớn; sản lượng ngô đông xuân tăng 12,1%, xuất khẩu sắn giảm mạnh,… Đó chính là nguyên nhân chủ yếu làm cho giá lương thực giảm trong 5 tháng liền; đứng trước tình hình này và giá xuất khẩu gạo tăng, mà đã có đề xuất tăng lượng gạo xuất khẩu so với năm trước khoảng nửa triệu, thậm chí một triệu tấn.

Tuy nhiên, khi giá gạo xuất khẩu tăng lên và giá lúa mỳ nhập khẩu còn tăng với tốc độ cao hơn, thì cần hết sức cân nhắc việc gia tăng nhập khẩu lúa mỳ. Những doanh nghiệp chế biến thực phẩm, sản xuất bánh kẹo,… nếu thời gian qua lỡ chưa tranh thủ lúc giá lúa mỳ còn thấp để nhập khẩu lúa mỳ dự trữ, thì nay không nên chạy theo việc nhập khẩu lúa mỳ, vì giá đã quá cao và nhà nước đang chủ trương kiềm chế nhập siêu.

Cần có sự phối hợp và điều hòa trong số lúa mỳ đã nhập khẩu rất lớn trong thời gian qua hiện còn đang tồn kho lớn ở các doanh nghiệp trong nước. Các nước sản xuất lúa mỳ lớn khác đã tranh thủ lúc Liên bang Nga dừng xuất khẩu, giá tăng, đã đẩy mạnh bán ra nên giá lúa mỳ đã giảm nhẹ.