Dân Việt

Thiếu nguyên liệu, doanh nghiệp mất hợp đồng

26/08/2010 23:06 GMT+7
(Dân Việt) - Mặc dù đã vào mùa thu hoạch tôm công nghiệp ở các tỉnh ĐBSCL nhưng các doanh nghiệp vẫn thiếu nguyên liệu để chế biến xuất khẩu, hoạt động kinh doanh theo đó cũng không hiệu quả.

Theo ông Chu Văn An - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy hải sản Minh Phú (Cà Mau), giá tôm xuất khẩu trong quý 3 tiếp tục ở mức cao, đặc biệt là tôm sú vỏ, bỏ đầu cỡ lớn loại 16 - 20 con/kg xuất khẩu qua Mỹ có giá lên tới 22 - 25 USD/kg, gấp đôi các năm trước.

img
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty CP Thủy hải sản Minh Phú

"Nhu cầu của thị trường Mỹ về loại tôm cỡ lớn này tăng mạnh, nhất là sau sự cố tràn dầu ở vịnh Mexico, nhưng đây lại là mặt hàng chúng ta thiếu nguyên liệu trầm trọng dù đang vào mùa thu hoạch tôm công nghiệp" - ông An thông tin.

Chính vì thế, dù đơn hàng nhiều nhưng các DN đành ngậm ngùi bỏ lỡ. Theo ông An, Công ty Minh Phú dù đã có vùng nuôi riêng cộng với việc vận dụng hết công suất các kênh thu mua khác trong cả nước, nhưng nguyên liệu cũng chỉ đáp ứng được 40% đơn đặt hàng từ Mỹ cho loại tôm cỡ lớn này. 60% đơn hàng còn lại, trong đó nhiều đơn hàng trị giá hàng trăm ngàn USD, phải từ chối.

Các DN xuất khẩu tôm còn lại không mạnh bằng Minh Phú, không có vùng nuôi riêng, không chủ động được nguồn nguyên liệu đành bỏ trắng "mặt trận" này. Một số DN cố tìm nguồn đáp ứng khoảng 10% nhu cầu, mục đích để giữ chân khách hàng, đã được xem là giỏi lắm rồi.

Không những tôm cỡ lớn, mà các loại khác vẫn thiếu nguyên liệu. Nhiều nhà máy chế biến của DN thủy sản chỉ hoạt động từ 50 - 60% công suất dù đang vào mùa thu hoạch đã có nhiều hàng để chế biến hơn những vẫn thiếu.

Do thiếu nguyên liệu nên giá tôm thương phẩm ở ĐBSCL vẫn đang đứng ở mức cao, loại 20 con/kg giá 180.000 đồng/kg, 30 con/kg 140.000 đồng/kg. Giá xuất khẩu trung bình tôm VN sang hầu hết các thị trường đều tăng 10- 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) dự báo trong các tháng tới, xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung cấp từ vịnh Mexico vẫn chưa thể phục hồi. Thị trường Nhật Bản với các loại tôm cỡ nhỏ hơn sẽ tiếp tục được doanh nghiệp quan tâm, khi giữ mức tăng trưởng ổn định về giá lẫn số lượng nhập khẩu. Hai thị trường này hiện chiếm tổng cộng gần 50% kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam.