Dân Việt

Con đi học, bố mẹ có việc làm

26/08/2010 23:05 GMT+7
(Dân Việt) - Trong số 7 chương trình tín dụng Ngân hàng CSXH tỉnh Nam Định đã và đang thực hiện, có 6 chương trình với dư nợ lớn tập trung hỗ trợ vốn cho hộ nghèo, hộ chính sách phát triển sản xuất, cải thiện điều kiện sống, giúp con em đi học...
img
Nhờ có vốn Ngân hàng CSXH, anh Đinh Thanh Khiết (thứ 2 bên trái) đầu tư ươm nuôi tu hài giống.

Tín dụng ưu đãi trên địa bàn huyện Trực Ninh chủ yếu tập trung vào 2 chương trình cho vay hộ nghèo và cho vay học sinh-sinh viên (HS-SV). Theo ông Đoàn Văn Định-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Trực Ninh, tổng dư nợ tín dụng ưu đãi trên địa bàn huyện hiện đạt hơn 186,5 tỷ đồng, trong đó cho vay hộ nghèo gần 63 tỷ đồng, cho vay HS-SV hơn 81,6 tỷ đồng.

Hộ nghèo vươn lên

Ở xã Trực Tuấn (Trực Ninh), ai cũng khâm phục gương vượt khó của chị Vũ Thị Chi. Chồng bị bệnh tâm thần đã nhiều năm, một mình chị làm lụng bươn chải nuôi con. Niềm vui lớn nhất của chị Chi là 2 con đều học giỏi và thi đỗ đại học.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Trực Ninh đã có thêm 2.143 hộ nghèo được vay vốn; 74 HS-SV vay vốn học tập; tạo 56 việc làm mới; 53 ND đi xuất khẩu lao động; 7 hộ nghèo có tiền xây nhà mới; giúp 410 hộ thoát nghèo...

Cháu gái đầu thi đỗ vào Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), cháu thứ hai, Trần Văn Hoàng vừa mới thi đỗ vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. “Đồng vốn chính sách của nhà nước đã giúp mẹ con tôi vượt qua gian nan. Trước kia, nhờ được vay vốn hộ nghèo để nuôi lợn mà 2 con tôi học hết THPT. Khi thi đỗ đại học, 2 cháu lại được nhà nước cho vay vốn học tập...”- chị Chi xúc động nói.

Tổng dư nợ 4 chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn xã Trực Tuấn hiện là hơn 5,9 tỷ đồng. Theo ông Vũ Ngọc Quý - Chủ tịch Hội ND xã, thể hiện rõ nét nhất sự hỗ trợ của nhà nước đối với hộ nghèo, hộ chính sách là chương trình cho vay hộ nghèo và cho vay HS-SV. Việc 1 hộ nghèo đang được hưởng từ 2-3 chương trình tín dụng không phải là hiếm ở xã thuần nông Trực Tuấn, trong đó đa số các hộ vừa được vay chương trình cho vay hộ nghèo và cho vay HS-SV.

“Cho vay Nước sạch & Vệ sinh môi trường (NS-VS-MT) cũng là chương trình tín dụng có tăng trưởng dư nợ nhanh ở Nam Định. Nhờ được tiếp cận với chương trình tín dụng này mà hàng chục ngàn hộ có điều kiện xây dựng công trình nước sạch, nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn, cải thiện sức khoẻ.

Tổng dư nợ 7 chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn tỉnh hiện là 1.610,8 tỷ đồng, trong đó cho vay NS-VS-MT gần 200 tỷ đồng” - ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Nam Định cho hay.

Tạo việc làm cho nhiều lao động

Trên địa bàn tỉnh Nam Định, cho vay giải quyết việc làm là chương trình tín dụng được các hộ vay vốn sử dụng khá hiệu quả trong việc phát triển sản xuất, thu hút nhiều lao động. Đầu năm 2008, vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Khảm, xóm 1, xã Giao Long (Giao Thuỷ) vay Ngân hàng CSXH 20 triệu đồng mua cá vược, cá song thả nuôi trên diện tích 1,7ha đầm ven biển. Từ năm 2008 đến nay, bình quân mỗi năm vợ chồng anh Khảm thu gần 300 triệu đồng tiền bán cá, tạo việc làm cho 8 lao động trong gia đình và hàng chục lao động mùa vụ.

Cũng từ 214 triệu đồng của nguồn vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm, năm 2006, anh Đinh Thanh Khiết, xã Giao Phong (Giao Thuỷ) đã thành lập Công ty TNHH Liên Phong chuyên ươm nuôi các giống hải sản. “Nguồn vốn vay được chủ yếu đầu tư vào các trang thiết bị kỹ thuật, mở rộng thêm các giống hải sản.

Trước kia, tôi chỉ ươm nuôi được ngao, tôm sú, cá bống bớp, nhưng 3 năm nay, tôi mạnh dạn và ươm nuôi thành công giống tu hài, hàu, cua bể. Trong điều kiện vay vốn thương mại khá khó khăn, nguồn vốn giải quyết việc làm đã giúp tôi tự tin hơn trong mở rộng sản xuất...”- anh Khiết thổ lộ.

Công ty TNHH Liên Phong do anh làm giám đốc đang tạo việc làm cho gần 50 lao động, trong đó có 40 công nhân, 2 kỹ sư thuỷ sản, 7 trung cấp kỹ thuật với mức lương từ 1,5- 2,5 triệu đồng/người/tháng.