Dân Việt

Coi chừng lãng phí

27/08/2010 22:55 GMT+7
(Dân Việt) - Thanh Hoá là tỉnh có số huyện nghèo nhiều nhất trong cả nước (6 huyện). Các huyện này đang được xem xét đầu tư xây mới TTDN cấp huyện. Vậy việc đầu tư thế nào cho hiệu quả?

Nhu cầu đào tạo rất lớn

Từ tháng 8-2009, Sở NN&PTNT được UBND tỉnh giao chủ trì cùng các ban, ngành; các đơn vị liên quan của tỉnh xây dựng đề án nông thôn mới tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2010-2020, định hướng đến năm 2030. Sở LĐ-TB&XH được giao chủ trì cùng các ngành liên quan xây dựng đề án này.

Theo số liệu thống kê, đến đầu năm 2010 Thanh Hóa có 2,2 triệu lao động (LĐ), trong đó lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản chiếm tới 59,2% (tiêu chí cho xã đạt nông thôn mới 35%) nhưng LĐ qua đào tạo nghề ở nông thôn mới chiếm 15,6%. Nếu đặt mục tiêu tới năm 2020 đào tạo nghề ở nông thôn đạt 55% thì số lượng LĐ cần đào tạo là rất lớn.

Hiện nay, đánh giá của chính ngành NN&PTNT cho thấy, tỷ lệ LĐ qua đào tạo và có trình độ tay nghề cao ở Thanh Hoá còn ít hoặc không thích nghi yêu cầu của cơ chế thị trường; vì vậy năng suất cây trồng vật nuôi, hiệu quả sản xuất kinh doanh, tính cạnh tranh còn thấp… Đây là địa bàn, là đối tượng rất cần phải đào tạo và đào tạo lại nghề trong thời gian tới. Thế nhưng, hiện nay mọi hoạt động dạy nghề và chính sách vẫn còn dang dở.

img
Dạy nghề đan hàng thủ công mỹ nghệ từ bèo tây.

Cụ thể: Việc cấp và sử dụng thẻ nghề, đến nay chưa có văn bản hướng dẫn chính thức của Bộ NN&PTNN; Về phần tài liệu, giáo trình và mô hình tổ chức phải có khung bài giảng chuẩn theo hướng đơn giản, dễ hiểu, phù hợp; phải gắn cả lý thuyết với thực hành và với mô hình cụ thể, nhưng vấn đề này lâu nay ít được coi trọng; vấn đề cơ sở đào tạo và giảng viên cũng nhiều hạn chế.

Hiện tại cơ sở đào tạo nghề công lập thuộc ngành nông nghiệp ở Thanh Hoá có 3 đơn vị: Trường Trung cấp thuỷ sản; Trường Trung cấp nghề NN&PTNT; Trường Trung cấp Nông, Lâm nghiệp Thanh Hoá. Quy mô đào tạo sơ, trung cấp khoảng 5.000 LĐ/năm… Thế nhưng, các trường mới có giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng chứ chưa có chuyên gia, nghệ nhân, doanh nhân, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tham gia truyền nghề, hướng dẫn thực hành cho nông dân…

Coi chừng lãng phí

Với những phân tích ở trên, tôi cho rằng nhu cầu là rất lớn, cơ sở đào tạo và đội ngũ giảng viên hiện nay rất khó đáp ứng. Tuy nhiên, trong khi chúng ta đang thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, có chủ trương chuyển các trạm khuyến nông thành trung tâm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, và xây dựng các TTDN ở các huyện thì việc lựa chọn mô hình như thế nào cho phù hợp là bài toán không đơn giản để đáp ứng yêu cầu dạy nghề cho LĐ nông thôn.

Thiết nghĩ, trước mắt không nên tập trung xây dựng TTDN ở những huyện nghèo, mà đầu tư trọng điểm cho các TTDN sẵn có, tận dụng các trung tâm giáo dục cộng đồng, áp dụng việc dạy nghề cho nông dân ở đấy cho tốt, để tránh lãng phí. Các TTDN trên địa bàn huyện nên tập trung đào tạo, bồi dưỡng cho lực lượng giảng viên kiêm chức như: Chuyên gia, nghệ nhân, doanh nhân, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi có chứng chỉ, đủ điều kiện đào tạo truyền nghề cho nông dân một cách hiệu quả. Từ đó, chúng ta có thể lấy TTDN sẵn có làm hạt nhân dạy lưu động cho nông dân ở các huyện nghèo

 "Tôi đề nghị Bộ NN&PTNT sớm quy định cụ thể về thẻ học nghề cho nông dân; Ban hành khung chương trình mẫu các nghề nông nghiệp để vận dụng vào điều kiện cụ thể của địa phương cho phù hợp...", ông Văn nói.