Dân Việt

“Kéo” nghề về làng

28/08/2010 08:30 GMT+7
(Dân Việt) - Hơn một năm nay tại xã nghèo Thạch Văn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh đang triển khai và nhân rộng mô hình đào tạo nghề phụ cho nông dân. Những lớp học nghề này đã bước đầu mang lại hiệu quả cao.
img
Nông dân Thạch Văn tham gia lớp mây tre đan tăng thu nhập cho gia đình

Nông dân học cách lau, dọn nhà cửa

Thạch Văn là một xã ven biển, cách thành phố Hà Tĩnh khoảng 10km. Cuộc sống của người dân nơi đây chỉ trông vào biển nên rất bấp bênh, cái nghèo cái đói luôn bủa vây. Nhìn cuộc sống của chị em thiếu thốn, không có lối thoát, chị Trần Thị Mai Hoa - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thạch Văn đã nhiều đêm trăn trở. Chị nghĩ, muốn thoát được nghèo phải có việc làm thêm sau những vụ mùa. Xuất phát từ suy nghĩ đó, chị Hoa quyết tâm rong ruổi đi khắp nơi tìm kiếm nghề cho chị em.

Trong một lần lên thành phố Hà Tĩnh thăm người nhà chị tình cờ phát hiện nhu cầu tìm người giúp việc của người dân thành phố rất lớn. Từ đó chị phối hợp với Hội Nông dân tổ chức tập hợp các chị em trong xã lập một nhóm chuyên về giúp việc gia đình. Ý tưởng đã định hình nhưng bắt tay vào làm thì gặp trở ngại: Chị em làm việc lóng ngóng, không đạt yêu cầu.

Chị Hoa tâm sự: “Tưởng chuyện cỏn con lau nhà dọn cửa ai cũng làm được nhưng khi bắt tay vào thực tế thì rất khó. Hơn nữa, nghề này ngoài yếu tố cần cù, chịu khó thì cần nhất là yếu tố trung thực của người giúp việc”. Chính vì vậy, chị đã đứng ra tổ chức một lớp đào tạo giúp việc.

Chị Nguyễn Thị Hằng - tham gia lớp giúp việc cho biết: “Trước khi đi làm chúng tôi được các thầy của trung tâm giới thiệu việc làm trên tỉnh về giảng dạy và hướng dẫn công việc, đặc biệt là thái độ làm việc, phải trung thực, thật thà. Vì vậy khi đi làm chúng tôi được chủ nhà tin tưởng, giao cả chìa khóa nhà”.

Chị Hoa kể tiếp, không phải ngẫu nhiên mà đã hơn một năm nay nhóm giúp việc hơn 30 chị em trong xã không ngày nào có thời gian rảnh rỗi, cứ mờ sáng là các chị lại lên thành phố làm việc, tối mịt mới về nhà. Thu nhập của chị em ổn định, nhưng với chị “gây dựng được một đội hình làm việc thông thạo và được các chủ thuê tin tưởng là yếu tố thành công nhất".

Gia cảnh nào, dạy việc nấy

Ông Nguyễn Khắc Dong- Chủ tịch UBND xã Thạch Văn cho biết: “Đến thời điểm này tại địa phương chúng tôi đã hình thành một tổ hợp 8 lớp đào tạo nghề thiết thực cho nông dân. Sau khi mở lớp giúp việc gia đình thành công, hiện nay đã có thêm 7 lớp học khác thu hút được người dân tham gia, như lớp làm bánh, lớp chăn nuôi, lớp mây tre đan xuất khẩu, lớp làm vườn, lớp đóng thuyền và lớp khởi sự doanh nghiệp nhỏ gồm các các hộ buôn bán, kinh doanh nhỏ tại địa phương”.

Sau khi chính quyền địa phương đề đạt nguyện vọng về việc chuyển đổi nghề cho nông dân, các sở ban ngành đã ủng hộ bằng cách cử cán bộ chuyên môn về giảng dạy miền phí. Giờ đây từng hộ dân trong xã đều được tham gia vừa học vừa làm theo khả năng và tự lựa chọn vào từng nhóm cụ thể.

Chị Hoa cho biết thêm, để tạo được những lớp học thiết thực này đòi hỏi các cơ quan đoàn thể của địa phương phải đứng ra tổ chức và lựa chọn đúng các đối tượng, hoàn cảnh của từng hộ gia đình. Ví như lớp giúp việc gia đình đa số chị em đều hoàn cảnh khó khăn, chồng mất sớm. Trong khi đó lớp mây tre đan xuất khẩu thu hút các chị em có chồng làm nghề đi biển, còn các chị rảnh rỗi ở nhà.

Đánh giá đúng thực tế và nguyện vọng của người dân nên tất cả 8 lớp học nghề hiện nay luôn thu hút được các học viên là nông dân tham gia. Đến nay, gần 300 nông dân được học nghề tại xã Thạch Văn đã có thêm nhiều khoản thu nhập đáng kể cho gia đình, cải thiện được đời sống.

Nhận thấy sự cần thiết phải có nghề, chị Hoa đã mạnh dạn đi học hỏi và liên lạc với các tổ chức, công ty kiếm nghề phụ cho nông dân trong những ngày nông nhàn. Sau hơn một năm, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân đã liên kết đào tạo được 8 lớp học, thu hút gần 300 nông dân tham gia.