Người dân có thể tự thu thập bằng chứng
Là người đầu tiên giơ tay xin tư vấn, ông A Wôik (thôn 4, xã Đăk La, huyện Đăk Hà) bức xúc: "Bên cạnh nhà tôi có hộ chăn nuôi lợn gây ô nhiễm môi trường. Họ xả thải làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của 5 hộ dân bên cạnh. Chúng tôi đã có ý kiến nhiều với hộ này nhưng họ cứ lờ đi...”. "Tình trạng này khá phổ biến, xảy ra ở nhiều vùng nông thôn trên cả nước.
Các luật sư đang giải đáp các thắc mắc của người dân Kon Tum. |
Các bác phải có đơn kiến nghị lên UBND xã, sau đó xã có trách nhiệm gọi gia đình nhà nuôi heo lên đề nghị tìm biện pháp khắc phục, chấm dứt ngay hành vi xả thải gây ô nhiễm. Nếu không UBND xã có thể xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời các hộ dân có thể tự thu thập bằng chứng để kiện gia đình nuôi heo ra toà án yêu cầu bồi thường thiệt hại"- luật sư Nguyễn Hồng Bách tư vấn.
Luật sư cũng gợi ý: Khí thải độc hại có thể gây ốm đau, bệnh tật, đau mắt, khiến mọi người phải đi viện chữa trị. Do đó, các hộ dân phải chứng minh được đi chữa trị hết bao nhiêu tiền tại bệnh viện. Mặt khác, các hộ dân phải chụp được ảnh nước thải đang xả ra...
"Đầu năm 2008, tôi cho bà B mượn bìa đỏ đất thổ cư để vay vốn (cam kết mượn trong 10 ngày). Đến tháng 10- 2010, sau 3 năm bà B vẫn không trả lại bìa đỏ nên tôi đã làm đơn lên UBND thị trấn đề nghị giải quyết. Nhưng đến nay bà ấy vẫn chưa trả bìa đỏ cho tôi" - ông Lê Ngọc Sơn (thị trấn Đăk Hà) xin tư vấn.
"Trong trường hợp UBND thị trấn đã giải quyết mà vẫn chưa được thì cần xem xét có dấu hiệu của tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hay không. Nếu bà B vẫn chây ỳ không chịu trả, gia đình có thể làm đơn tố cáo lên cơ quan công an, đề nghị khởi tố về tội lừa đảo. Nếu hành vi không cấu thành tội lừa đảo thì gia đình có thể khởi kiện ra toà án dân sự, yêu cầu bà B phải trả lại bìa đỏ"- luật sư Nguyễn Hồng Bách trả lời.
Cần tách khẩu trước khi tách hộ
"Gia đình đã có đơn kiến nghị lên UBND xã về việc ông K lấn chiếm đất nhà tôi. UBND xã đã mời ông K lên xã 3 lần để giải quyết nhưng ông ấy không chịu lên. Vậy trường hợp này theo luật sư phải giải quyết như thế nào?" - ông Nguyễn Văn Trí (ở xã Đăk H Ring, Đăk Hà) hỏi. Luật sư Trương Thị Pha đưa ra giả thiết: Nếu đất của gia đình có bìa đỏ thì UBND xã phải hướng dẫn cho gia đình khởi kiện ra toà án, đề nghị trả lại đất. Nếu đất chưa có bìa đỏ, nhưng trên đất có những tài sản khác (cây cối, hoa màu, vật kiến trúc…), thì UBND xã cũng phải hướng dẫn khởi kiện đòi lại những tài sản trên đất. Sau đó, nếu có căn cứ lấn chiếm, UBND xã có thể ra quyết định buộc ông K phải trả lại đất.
Trong những ngày tư vấn ở huyện Đăk Hà và Đăk Tô, nhiều bà con có chung một thắc mắc: Con cái đã lập gia đình và có cháu nhỏ, nhưng vẫn phải ở chung với ông bà. Vậy phải thực hiện tách hộ như thế nào?
Luật sư Trương Thị Pha cho biết, những gia đình có nhu cầu phải làm đơn đề nghị lên công an cấp xã, phường. Sau đó, công an cấp xã, phường làm thủ tục đề nghị lên công an cấp quận, huyện tách sổ hộ khẩu cho người đề nghị. Khi đã có sổ hộ khẩu thì các vấn đề về đất đai, điện, nước… được thực hiện như một gia đình bình thường.
Kết thúc buổi trợ giúp pháp lý, bà con rất mong đoàn sẽ trở lại lần nữa bởi nơi đây có nhiều câu lạc bộ sản xuất kinh doanh, nhiều mô hình trang trại về cà phê, cao su, cho nên nhu cầu được tư vấn về thành lập doanh nghiệp, trang trại, vay vốn, đất đai… là khá lớn.
Hoàng Long