Dân Việt

Phát triển kinh tế gắn với an sinh xã hội

30/08/2010 08:51 GMT+7
(Dân Việt) - Đảm bảo phúc lợi và an sinh xã hội trong 10 năm tới là một chủ trương đúng cả về lý luận và thực tiễn, tạo ra sự đồng thuận và hợp lực xã hội tốt hơn trong thời gian tới, TS Nguyễn Minh Phong nói.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có bài viết "Đảm bảo ngày càng tốt hơn an sinh xã hội và phúc lợi xã hội là mục tiêu chủ yếu của chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2010-2020” trên báo NTNN số 177/2010. Phóng viên NTNN đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội về vấn đề này

Nâng mục tiêu an sinh xã hội lên tầm cao mới

Ông có bình luận gì xung quanh các vấn đề được Thủ tướng đề cập trong bài viết này?

Đảm bảo phúc lợi và an sinh xã hội trong 10 năm tới là một chủ trương đúng cả về lý luận và thực tiễn, tạo ra sự đồng thuận và hợp lực xã hội tốt hơn trong thời gian tới. Bởi cùng với phát triển kinh tế, chăm lo tốt vấn đề an sinh và phúc lợi sẽ đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, ổn định thể chế chính trị của đất nước.

img
TS. Nguyễn Minh Phong

Theo ông, trong nhiều năm qua, vấn đề phúc lợi xã hội, an sinh xã hội đã được quan tâm đúng mức?

Theo tôi, cho đến nay chúng ta vẫn đang nợ vấn đề an sinh và phúc lợi xã hội. Thời gian qua chúng ta mới làm tốt về giảm nghèo, còn an sinh đang rất hạn chế. Việc hỗ trợ về y tế cho người nghèo, trợ cấp người cô đơn không nơi nương tựa, thương bệnh binh... còn rất khiêm tốn. Chính vì thế, trong giai đoạn tới cần nâng mục tiêu an sinh, phúc lợi xã hội lên tầm cao mới, đồng bộ hơn.

Khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng, đây phải chăng là căn cứ cần đẩy nhanh hơn vấn đề an sinh xã hội?

“ Cùng với việc nâng cao vai trò, chức năng và tăng thêm nguồn lực của nhà nước, phải thực hiện chủ trương “các chính sách xã hội được tiến hành theo tinh thần xã hội hoá”. Phải huy động các nguồn lực của toàn xã hội để nâng cao an sinh xã hội và phúc lợi xã hội” - trích nhiệm vụ thứ 6 trong bài “Đảm bảo ngày càng tốt hơn an sinh xã hội và phúc lợi xã hội”.

Theo quan điểm của tôi, cả quá khứ, hiện tại và tương lai sẽ vẫn tiếp tục khuyến khích người dân làm giàu. Ngay ở Trung Quốc, dù tuyên bố khoảng cách là 20 lần nhưng thực tế có thể lên tới 200 lần.

Khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng là xu hướng tất yếu của bất kỳ nước nào trên thế giới. Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn đến việc nâng cấp quy mô, mạng lưới, chất lượng của an sinh xã hội, phúc lợi xã hội để "giảm xóc" tốt hơn trong bối cảnh kinh tế phát triển, với nguy cơ ngày càng xảy ra nhiều "cú sốc" kinh tế. Vì vậy, mục tiêu an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cần được đặt lên hàng đầu.

Người nghèo sẽ chịu những tác động tích cực và tiêu cực gì nếu nước ta tiếp tục đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế?

Chiến lược đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế là một trong những lựa chọn bắt buộc. Quan điểm của tôi là ủng hộ mục tiêu này, vì chúng ta cần phải nhanh chóng đưa Việt Nam tiến tới nước có mức thu nhập khá, với mức sống tương đồng so với các nước trong khu vực và thế giới.

Khi nước ta trở thành nước công nghiệp, rõ ràng là sẽ có tác động cả hai mặt với người nghèo. Về mặt tích cực, nói một cách hình ảnh, tầng thác trên cùng là những người giàu nhất, bằng các hoạt động kinh doanh, chi tiêu, tài trợ... của người giàu thì người nghèo sẽ được đón nhận. Người nghèo sẽ được hưởng nhiều cơ hội như gia tăng cơ hội việc làm, tăng thu nhập, tăng phúc lợi xã hội do kinh tế phát triển...

Còn mặt trái, theo tôi sẽ tuỳ thuộc vào kế hoạch thực hiện những mục tiêu phúc lợi và an sinh như thế nào và có hiệu quả không. Nếu để doanh nghiệp làm giàu bất chấp đạo lý, lấy đất đai màu mỡ làm khu công nghiệp, làm sân golf... sẽ khiến người nông dân mất ruộng, mất phương tiện sinh kế làm ăn. Cùng với phát triển kinh tế, nếu kiểm soát thị trường không tốt sẽ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, huỷ hoại môi trường sống, người nghèo là đối tượng bị tác động đầu tiên.

Phát triển kinh tế gắn với giải quyết việc làm

Bài viết của Thủ tướng có đưa ra 6 nhiệm vụ an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, theo ông nhiệm vụ và mục tiêu nào là quan trọng nhất?

Theo tôi, 6 nhiệm vụ và giải pháp trong bài viết của Thủ tướng đã khái quát và bao phủ được phần lớn những nhiệm vụ quan trọng mà chúng ta cần làm trong thời gian tới. Đầu tiên, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội gắn với giải quyết việc làm là vấn đề quan trọng nhất. Bởi việc làm được coi là "cần câu cơm" cho người nghèo, giúp họ thoát khỏi nghèo đói, đảm bảo phát triển bền vững.

Vấn đề được đặt ra trong giai đoạn tới là tái cấu trúc nền kinh tế cần được lồng ghép với giải quyết việc làm, đặc biệt là việc làm cho lao động khu vực nông thôn, những người nghèo.

img
Có thêm việc làm, tăng thu nhập là những mục tiêu cụ thể mà lao động nghèo đang trông đợi

Còn mục tiêu tiếp theo, phát triển đồng bộ hơn hệ thống bảo hiểm, tôi nghĩ đó là yêu cầu của xã hội văn minh. Tuy nhiên, hoạt động bảo hiểm phải gắn với người nghèo, với sản phẩm đa dạng, mức giá phù hợp... sao cho thực sự là của người nghèo chứ không phải "kinh doanh" trên lưng người nghèo.

Trong nhiệm vụ thứ 5 nhắc tới "Nhà nước tăng thêm nguồn lực và phát huy vai trò chủ đạo..." là một quan điểm tương đối mới. Tôi đánh giá rất cao quan điểm mới này của Chính phủ. Nếu làm tốt, trên cơ sở các thể chế và nguyên tắc cụ thể sẽ cải thiện mạng lưới an sinh xã hội cho người nghèo ở nước ta.

Nhiệm vụ thứ sáu là huy động sự tham gia của toàn xã hội chỉ là tái khẳng định những việc làm trước đó. Theo tôi, mục tiêu này cần phải "thanh lọc" để tránh sự lạm dụng, "kinh doanh" từ thiện.

Để đạt được mục tiêu đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, theo ông cần thêm những giải pháp gì?

Theo tôi, cần thêm giải pháp hạn chế việc phát triển những ngành kinh tế làm tổn hại đến người nghèo và đẩy nhanh quá trình giải quyết những bức xúc trong xã hội. Đồng thời, nhà nước nên đầu tư, xây dựng trạm dưỡng lão, nhà bảo trợ và huy động quyên góp để tăng kinh phí vận hành những các trạm này. Qua đó, tạo ra một mạng lưới quốc gia về hỗ trợ người nghèo mang tính toàn diện hơn. Nhà nước cũng cần xây dựng mạng lưới tín dụng, bảo hiểm, dành riêng cho người nghèo. Cuối cùng là nhiệm vụ chống tham nhũng cần được đề cao, vì tham nhũng càng nhiều thì người nghèo càng tăng.

Xin cảm ơn ông!

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, hiện nay, nước ta mới có doanh nghiệp kinh tế, còn doanh nghiệp xã hội cần được xây dựng trong thời gian tới, và cần hiểu theo nghĩa rộng hơn. Mục tiêu của doanh nghiệp xã hội không vì lợi nhuận mà chủ yếu là để đào tạo, giải quyết việc làm cho người nghèo, áp dụng công nghệ sản xuất, tổ chức thu mua sản phẩm... cho người nghèo, tạo công ăn việc làm cho người nghèo, giúp họ phát triển kinh tế bền vững, đồng thời đa dạng hoá các công cụ của nhà nước trong mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội .