Dân Việt

Mỹ lo ngại bế tắc chính trị

01/09/2010 20:16 GMT+7
(Dân Việt) - Ngày 31-8, đánh dấu việc kết thúc các nhiệm vụ chiến đấu của quân đội Mỹ ở Iraq, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến Iraq để tham dự lễ chuyển giao quyền chỉ huy cho quân đội nước này.

Chuyển trọng tâm sang Trung Đông

Đây là lần thứ sáu ông Biden đến Iraq kể từ tháng 1-2009. Bắt đầu từ ngày 31-8, các lực lượng Mỹ chỉ còn lưu lại Iraq chưa đầy 50.000 quân so với khoảng 144.000 binh sĩ hồi tháng 1-2009. Lực lượng này sẽ ở lại Iraq với nhiệm vụ huấn luyện, hỗ trợ các lực lượng an ninh Iraq chống lực lượng nổi dậy và bảo vệ công dân Mỹ, cho đến khi Mỹ rút quân hoàn toàn vào cuối năm 2011.

img
Tổng thống Mỹ Obama đọc diễn văn chính thức chấm dứt sứ mệnh chiến đấu tại Iraq

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Oabma đã tới căn cứ quân sự Fort Bliss tại El Paso, bang Texas để chúc mừng những người lính Mỹ trở về quê hương. Ngay sau đó, ông Obama đã trở lại Washington để đọc bài diễn văn kết thúc nhiệm vụ của quân đội Mỹ ở Iraq.

Hậu quả mà cuộc chiến do Mỹ tiến hành tại Iraq đã khiến hàng chục nghìn người chết, vô số người khác mất nhà cửa trong khi thiệt hại về kinh tế do chiến tranh tàn phá thì không thể đo đếm nổi.

Ông Obama tuyên bố: "Sau hơn 7 năm triển khai tại Iraq, Mỹ đã chấm dứt sứ mệnh chiến đấu và tiến một bước quan trọng tới việc kết thúc cuộc chiến một cách có trách nhiệm". Tổng thống Mỹ nhấn mạnh rằng, khi Iraq không còn là trọng tâm thì Washington sẽ chuyển hướng chiến lược an ninh sang tiến trình hòa bình Trung Đông.

Kể từ khi phát động cuộc chiến năm 2003, hơn 200.000 binh lính ở căn cứ quân sự Fort Bliss đã được điều động đến Iraq. Theo thống kê của Bộ Quốc phòng Mỹ, tính đến nay đã có ít nhất 4.400 lính Mỹ thiệt mạng tại Iraq.

Hậu quả mà cuộc chiến do Mỹ tiến hành tại Iraq đã khiến hàng chục nghìn người chết, vô số người khác mất nhà cửa trong khi thiệt hại về kinh tế do chiến tranh tàn phá thì không thể đo đếm nổi.

Lãng phí vô kể tại Iraq

Hãng tin AP dẫn số liệu được Cơ quan kiểm toán Mỹ công bố ngày 30-8 cho thấy, khi rút khỏi Iraq, Mỹ để lại hàng trăm dự án chưa hoàn thành hoặc không được thực hiện.

Theo cơ quan trên, Mỹ đã lãng phí tới hơn 5 tỷ USD trong ngân sách dành cho tái thiết các công trình xã hội ở Iraq, trong đó có 165 triệu USD chi cho một bệnh viện nhi khoa không hoạt động, 100 triệu USD chi vào hệ thống lọc nước ở thành phố Fallujah - khoản tiền lớn gấp ba lần mức dự tính, song cho đến nay nước thải vẫn chảy qua các con phố; khoảng 40 triệu USD nữa được sử dụng xây dựng một nhà tù hiện đang bị bỏ trống ở sa mạc phía Bắc Baghdad. Theo số liệu, Mỹ đã chi khoảng 50 tỷ USD cho hoạt động tái thiết ở Iraq.

Trong một cuộc phỏng vấn được Thời báo New York đăng tải ngày 30-8, sĩ quan hàng đầu của Mỹ tại Iraq, Tướng Ray Odierno đã bày tỏ lo ngại về tình trạng bế tắc chính trị ở quốc gia này sau khi Mỹ rút quân, đồng thời cảnh báo việc không thể thành lập được chính phủ có thể hủy hoại niềm tin của người Iraq vào thể chế dân chủ.

Tướng Odierno nói rằng, ông hy vọng các cuộc đàm phán để thành lập chính phủ sẽ thành công và các chính trị gia Iraq có thể vẫn mất vài tháng để thành lập chính phủ. Tuy nhiên nếu các cuộc đàm phán này đổ vỡ, có thể sẽ phải tổ chức thêm một cuộc tổng tuyển cử với nhiều rủi ro ở Iraq.