Bánh được làm từ giống lúa địa phương ở Nghệ An, ủ và xay cũng theo một bí quyết riêng. |
Trên bếp lò chuyên dụng đắp đất đỏ rực lửa, là một hoặc hai cái nồi lớn. Miệng nồi cỡ 30 – 40cm, trải khuôn vải tròn để tráng bánh, nắp vung cao đậy nồi được quấn giẻ cẩn thận nơi quai xách. Một chậu sành đựng bột loãng, một cái vá múc bột – cũng là dụng cụ dùng để dàn bột đều trên khuôn tráng được làm từ nửa vỏ quả dừa khô...
Một thanh tre cật dài cỡ 40 – 50cm bản rộng dùng để lấy tấm bánh đến độ chín. Kèm theo là một ống nứa tròn cỡ cổ tay, dài độ 40 phân, để cuộn tấm bánh cho lành lặn. Và nữa, không thể thiếu một tô vừng đen hoặc trắng tuỳ sở thích, mỗi lần đổ bột lên khuôn, dàn đều rồi rắc dày những hạt vừng lên. Bánh chín phồng, người tráng khéo léo lấy ra và đặt lên tấm đan nan tre, nứa theo từng hàng, từng chục đưa ra phơi khoảnh sân trước nhà...
Đủ nắng, bánh khô quắt trong suốt lấm tấm những hạt vừng thì dỡ ra xếp từng chồng chờ xuất cho các mối tiêu thụ. Một quy trình muôn thuở không thay đổi, trừ những ngày mưa bão.
Khắp các chợ quê Phủ Diễn (Diễn Châu – Nghệ An), phiên chợ nào cũng đông khách xúm xít quanh bà hàng bánh tráng nướng. Một cái nồi đất rực than hồng, bà hàng khéo léo vừa quạt vừa trở bánh. Bánh quạt khéo chín phồng rộm, có màu hồng hơi sẫm dậy mùi thơm ngào ngạt của gạo quê, của những hạt vừng dày đặc.
Bẻ miếng bánh thơm giòn nhai chậm rãi là một thích thú thật dân dã của con trẻ. Không chỉ trong các chợ quê, mà ngay trong bất cứ hàng phở, hàng bún xáo nào cũng không thể thiếu những chồng bánh đa nướng này. Bánh cũng là món đưa cay rất bình dị của đàn ông miền quê ven biển. Dân dã hơn, các bà các chị khi sà vào hàng phở trong chợ còn bẻ vụn tấm bánh cho vào tô, rồi xì xụp ngon lành...
Chiếc bánh đa vừng Phủ Diễn dày dặn, trở thành món quà quê mộc mạc của mỗi phiên chợ mẹ mua về cho con trẻ. Cũng là món quà quê khá ấn tượng với người Nghệ xa quê.