Tỉnh Tiền Giang có đàn lợn gần 600.000 con, đứng đầu khu vực ĐBSCL. Phần lớn các trang trại lợn đều cung ứng cho thị trường TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Theo quy định của Bộ Tài chính, đàn lợn xuất chuồng phải “đóng” đầy đủ 1 trong 5 loại phí. Người chăn nuôi và khách hàng chính là đối tượng phải “gánh” nhiều loại phí này.
Chi cục Thú y tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện nay đàn lợn khi xuất chuồng thì thương lái phải “đóng” 1 trong 5 loại phí gồm: Phí kiểm dịch 500 đồng/con (lợn con), 1.000 đồng/con (lợn lớn); lệ phí chứng nhận kiểm dịch vận chuyển nội tỉnh (5.000 đồng/con), ngoại tỉnh (30. 000 đồng/con); phí tiêu độc: xe ô tô (40.000 đồng/xe) và xe khác (10.000 đồng/xe).
Thu mua lợn ở Tiền Giang. |
Ngoài ra khi đưa lợn đến lò giết mổ, thương lái phải đóng cho thú y viên tiền kiểm soát giết mổ khoảng 7.000 đồng/con. Sau khi giết mổ, thịt lợn chuyển đi tiêu thụ trong tỉnh thì thương lái đóng 5.000 đồng/lô hàng và đi tiêu thụ ngoài tỉnh đóng 30.000 đồng/lô hàng.
Tuy nhiên thực tế, ngành thú y chỉ thu được đầy đủ 5 loại phí này đối với các thương lái mua lợn từ các trạng trại chăn nuôi quy mô lớn và đưa đi tiêu thụ ngoài tỉnh. Còn đối với các đàn heo bán cho thương lái giết mổ để tiêu thụ trong tỉnh thì chỉ đóng khoảng 2 loại phí.
Ông Nguyễn Thanh Long - thương lái lợn (phường 2 TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) cho biết: “Tôi mua lợn từ hộ nuôi sau đó vận chuyển đến lò giết mổ chỉ phải “nộp” 55.000 đồng/con. Trong đó, phí kiểm soát giết mổ là 8.000 đồng/con, công nhân mổ lợn là 14.000 đồng/con, còn lại 33.000 đồng là chi phí lò mổ. Thời gian qua, tôi đến mua lợn tại hộ chăn nuôi có thấy anh thú y viên nào đến kiểm tra đâu”.
Còn ông Huỳnh Văn Thái-chủ lò giết mổ gia súc xã Tân Mỹ Chánh (TP.Mỹ Tho) cũng cho rằng, các thương lái đưa gia súc đến lò mổ này chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh nên chỉ cần cán bộ thú y kiểm tra trước khi mổ và lăn dấu là xong. Nếu lượng thịt đưa vào chợ hay nhà trẻ thì phải đóng thêm cho cán bộ thú y 5.000 đồng/giấy.
Như vậy từ khi mua lợn đến khi giao thịt cho khách hàng, thương lái chỉ đóng khoảng 60.000 đồng/con. Còn mỗi con lợn từ địa bàn tỉnh Tiền Giang đưa đi tiêu thụ ngoài tỉnh thì tính ra phải đóng các loại chi phí trên 100.000 đồng/con (chưa kể chi phí giết mổ).
Anh Lê Văn B (huyện Chợ Gạo) - thương lái chuyên mua lợn đi tiêu thụ ở TP.Hồ Chí Minh bật mí, thật ra đóng các loại phí này không “ăn thua gì”. Bởi thương lái lúc nào cũng nắm phần ”cán” sẵn sàng hạ giá mua vào đối với hộ chăn nuôi và tăng giá bán ra đối với người tiêu dùng.
Điều này cũng dễ hiểu vì trong khi thương lái mua lợn hơi chỉ 35.000- 40.000 đồng/kg, nhưng khi bán thịt lợn ra thị trường từ 55.000 - 60.000 đồng/kg. Dù giá cả lợn có tăng hay giảm, thương lái vẫn là người thu lợi nhuận cao. Thương lái còn dùng nhiều thủ đoạn để kiếm lời “bù” vào khoản phí đó. Phổ biến nhất là việc “bơm” nước vào cơ thể lợn làm cho trọng lượng thịt lợn tăng lên từ 3-5 kg/con.
Trường Duy