Họ cho biết: Sẵn sàng hiến tặng nếu Nhà nước mở Bảo tàng Nông nghiệp.
Những người “lẩn thẩn”
Nếu để tìm ra một từ chính xác nhất để “vinh danh” các nhà sưu tập nông cụ, vật dụng sinh hoạt của làng quê VN xưa, chỉ có từ “lẩn thẩn”. Bởi họ thường bị người không hiểu chuyện bảo rằng: “Nhặt nhạnh, lưu giữ làm gì mấy cái thứ vứt đi”, đó là trường hợp của nhà sưu tập Trần Phú Sơn ở số nhà 3 ngõ 49 phố Vân Hồ II (Hà Nội).
Bộ sưu tập những chiếc cày qua các thời kỳ của ông Trần Phú Sơn ở Hà Nội. |
Duyên sưu tập đồ nông cụ, đồ sinh hoạt xưa đến với ông Sơn rất tình cờ. Trong một lần về quê vợ ở Bắc Ninh ăn cưới, ông thấy chủ nhà hô thanh niên bê chiếc cối đá xay lúa vứt xuống ao vì trong nhà chật quá, thóc thì bây giờ đã có máy xay.
Ông Sơn bèn xin về, và từ đó, nảy sinh ý định sưu tập những đồ “vứt đi” ấy, ông lang thang khắp nơi, tìm chỗ nào có đồ nông cụ, đồ dùng cũ là xin về, trải qua 27 năm, tầng 4 trên nhà ông đã trở thành một nhà trưng bày nho nhỏ rất công phu về đời sống, sinh hoạt, sản xuất của nông dân đồng bằng Bắc Bộ.
Ngược lên mạn Bắc Giang, những người yêu mến nông thôn ai cũng biết bộ sưu tập nông cụ của ông chủ hiệu ảnh lớn nhất TP. Bắc Giang Nguyễn Quang Mạnh với hàng ngàn hiện vật và một phần lớn dành cho không gian của những chiếc cối đã từng gắn bó bao đời với người nông dân. Ông chủ của những hiện vật ấy vẫn khát khao có được một không gian rộng rãi hơn, hoành tráng hơn để tôn vinh những đồ vật đã làm nên nét văn hóa của dân tộc.
Cô giáo về hưu Ngô Thị Khiếu ở làng Bỉnh Di, xã Giao Thịnh, (Giao Thủy, Nam Định) còn “cả gan” làm một việc ít ai làm được, đó là bỏ tiền ra thầu một khu đất nông nghiệp bỏ hoang rộng hơn 5.000m2 trong vòng 30 năm với giá hơn 200 triệu đồng để xây thư viện và một bảo tàng văn minh lúa nước với 5 gian nhà (một của bần cố nông, của trung nông, rồi nhà của địa chủ, nhà đặc trưng của nông dân vùng Giao Thủy và một ngôi nhà theo phong cách hiện đại). Đến cuối năm 2013, quần thể ngôi nhà sẽ hoàn thành và mở cửa đón khách.
Ở thôn La Chữ, xã Hương Chữ (Hương Trà, Thừa Thiên- Huế), có lão nông Trần Hữu Hám, từ nhiều năm nay cũng bỏ thời gian, tiền của để sưu tầm nông cụ. Con cái mỗi tháng cho ít tiền, ông cũng dành để sưu tập thêm nhiều đồ hơn nữa, chỉ với một khát khao: “Con cháu về sau nhìn vào đây, sẽ biết được cha ông thời xưa đã một thời lam lũ thế nào”.
Xuôi về phương Nam, một nhà sưu tập khác cũng nổi danh ở đất Cai Lậy (Tiền Giang), ông Trương Ngọc Tường- người sở hữu một bộ sưu tập đầy đủ về 300 năm hành trình đi mở đất của người Việt. Vốn là một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nên ông Tường phân loại bộ sưu tập của mình cũng ngay ngắn lắm, cây nọc cấy, những chiếc phảng hoen gỉ, cái cối giã gạo mục nát, chiếc gàu rách nát, bộ sưu tập bình vôi ăn trầu của người nông dân... Mỗi hiện vật hàm chứa bao câu chuyện sâu xa về thuở đi phát hoang mở đất, từ những công việc liên quan đến cây lúa nước, một dòng văn hóa tươi mới của vùng đất phương Nam nên hình.
Của tin biết gửi về đâu?
Biết chúng tôi đang thực hiện bài viết về đề tài Bảo tàng Nông nghiệp VN, ông Trần Phú Sơn mừng lắm. Tay bắt mặt mừng, ông hồ hởi tâm sự: “Đúng là Báo NTNN đặt ra trúng vấn đề tôi trăn trở bấy lâu nay. Tại sao một đất nước mà hiện nay có tới hơn 70% dân số làm nông nghiệp, sống ở nông thôn như VN mà đến giờ vẫn chưa có được một bảo tàng nông nghiệp. Cho phép tôi nói thẳng, theo tôi, cả Bộ VHTTDL và Bộ NNPTNT đều có lỗi trong chuyện này. Một “ông” có chuyên môn về bảo tồn bảo tàng, một “ông” chịu trách nhiệm về nông nghiệp nông thôn, vậy mà không ngồi lại với nhau, để đến bây giờ, những hiện vật xưa hầu như đã mất mát hỏng nát hết cả”.
Có chứng kiến những hiện vật nằm trên tầng 4 căn gác nhà ông Sơn đang bị hư hại từng ngày vì điều kiện thời tiết nóng ẩm của miền Bắc, mới hiểu nỗi xót xa của một nhà sưu tầm tâm huyết. Ông Sơn bảo, tôi chỉ mong có một bảo tàng, tôi sẽ hiến tặng toàn bộ số hiện vật này vào, để chúng được bảo quản theo đúng cách, để chúng được sắp xếp, được giới thiệu với người xem theo đúng chuyên ngành, sức tôi có hạn, tuổi đã cao, làm sao mà gìn giữ dài lâu được nữa? (Còn nữa)
Đó cũng là tâm sự chung của các nhà sưu tập khác như ông Nguyễn Quang Mạnh, ông Trương Ngọc Tường... Mỗi người trong số họ đang giữ gìn một kho báu tư liệu về đời sống người Việt xưa, đang xót xa từng ngày nếu chúng cũ nát, hỏng hóc, đang mong chờ một lời “hiệu triệu” để được góp phần giữ lại một phần lịch sử dân tộc. Không ai có ý định làm giàu mà chỉ muốn được cống hiến cho nhân dân, nhưng họ đã chờ đợi quá lâu rồi.
(Còn nữa)
Hà Thu - Lê Tâm