Trên những con thuyền rồng lộng lẫy (xưa chỉ dùng cho các đấng quân vương du ngoạn sông nước), du khách đắm hồn vào những khúc nhạc, câu hò, điệu hát du dương.
Trong những bộ trang phục truyền thống, các ca sĩ, nhạc công ca Huế là những nam thanh nữ tú bước ra cúi đầu chào khán giả. Những âm thanh của đàn tranh, đàn nguyệt, tỳ bà, nhị, tam thập lục… bắt đầu cất lên xóa đi không gian yên tĩnh. Những ngón đàn trau chuốt của nhạc công thể hiện các khúc nhạc tươi tắn, sang trọng như “Lưu thủy”, “Kim tiền”, “Xuân phong”, “Lang hô”, “Phú lục”, “Cổ bản”... làm lay động lòng người.
Sau những khúc dạo đầu lúc khoan lúc nhặt miên man, hồn du khách bắt đầu lắng buồn với những điệu hát ai oán: Nam ai, Nam bình, Tương tư khúc, Quả phụ… Tiếp đó, du khách lại được dẫn dắt đến một trạng thái không buồn không vui với khúc Tứ đại cảnh: "Mấy thu qua rồi lại. Đường khôn dại chơi vơi. Một bước đời, một nỗi buồn vui, tuồng hư thật trêu ngươi... Sắc với tài, danh với lợi tàn phai, tình văn nghệ không phai...".
Dù đưa hồn người đến những thái cực khác nhau nhưng các bài ca Huế đều có điểm chung là mang đậm tính bác học, cấu trúc chặt chẽ và phong cách biểu diễn trang trọng. Mặt khác, những tác phẩm này còn mang đậm sắc thái địa phương, sắc thái xứ Huế dịu dàng, gần gũi...
Ca sĩ, nhạc công say mê biểu diễn, du khách lặng lẽ thưởng thức và chiêm nghiệm. Giữa người diễn và người xem chứa chan sự đồng cảm, đồng điệu đến kỳ lạ. Khoảng cách bị xóa nhòa, chỉ còn những tiếng lòng tri kỷ, tri âm hòa quyện vào nhau. Thời gian như ngừng lại, dòng sông Hương lấp lánh trăng vàng dường như cũng dùng dằng, ngừng chảy. Cuối chương trình, khi những đèn hoa đăng trôi lững lờ giữa dòng sông Hương mang theo những điều nguyện cầu được phù hộ độ trì thì những câu hát ngọt ngào, da diết vẫn ngân mãi giữa mênh mông trời nước...
An Sơn