Khoảng 10 năm trước, ai lên vùng cao Tây Bắc thường bắt gặp hình ảnh cô gái Mông túm đuôi ngựa úp mặt vào triền dốc, con ngựa cũng cặm cụi như vậy. Người trai Mông sau bữa rượu chợ phiên nằm vắt ngang lưng ngựa cứ thế qua đèo chiều, tối xẩm mới về đến bản để rồi phiên chợ sau lại thế...
Ngựa “Mông”, dẻo dai và bền bỉ, từ ngàn đời vẫn lầm lũi gùi hàng, gùi người len lỏi đường mòn trong những cánh rừng, vượt qua những triền núi chạm mây, trung thành và nhẫn nại hệt như người phụ nữ Mông.
Khi những con đường mới len lỏi tới từng thôn bản thì cũng là lúc giống ngựa “Mông” mất dần. Thay thế cho nó là những “con Uyn”, “con Uây” chỉ cần đổ xăng vào là chạy. Nhưng đâu đó ở vùng cao Mù Cang Chải, vẫn cần những thớt ngựa “Mông” để ngày ngày nhẫn nại thồ hàng, cõng người...
Người dân ở những triền núi cao Tây Bắc vẫn cần những thớt ngựa thồ hàng. |
Mờ sáng, khi núi rừng vẫn chưa tan sương, đoàn ngựa đã lên đường thồ theo lương thực, thực phẩm cho công nhân khai thác mỏ ở sâu trong núi. |
Chú ngựa non lần đầu theo đoàn khiến người chủ loay hoay chằng buộc. |
Đường đi cheo leo, phải vượt qua những con dốc ngược ngửa mặt lên trời. |
Chiều xuống, người và ngựa lại rong ruổi xuống núi với những bao quặng nặng trĩu trên lưng. |
“Gánh nặng” được trút bỏ khỏi lưng các chú ngựa tại điểm tập kết quặng. |
Những thớt ngựa ở bản Lìm (xã Cao Phạ, Mù Cang Chải, Yên Bái) thong dong trên đường về . |
Lê Hữu Thọ