Dân Việt

Hai cây cầu trên sông Hồng

05/09/2010 09:19 GMT+7
(Dân Việt) - Lạ thế, lâu nay không hiểu sao cứ vào những ngày lập thu khi cái nóng hầm hập tạm dứt, khi ngọn gió heo may ràn rạt thổi dọc phố là tôi lại sinh tật lang thang ra bờ sông Hồng ngồi đốt thuốc, lẩn thẩn ngẫm nghĩ một mình.

Có lẽ không ở đâu mà sắc thái, hơi thở mùa thu lại phập phồng hiện về rõ rệt như ở đây. Se lạnh, đìu hưu, trời màu chì nước màu chì, cỏ cây xạc xào, cát nằm im lặng, bóng ai nhỏ như một chiếc chấm đen lay động mất dần ở xa xa, buồn man mác, một nỗi buồn dịu nhẹ đủ để tâm hồn được trải ra với không gian và vuốt nhỏ theo thời gian. Vũ trụ khe khẽ cựa mình.

img
Cầu Long Biên - một chứng tích lịch sử của Hà Nội.

Thời khắc chuyển giao linh diệu của trời đất Thăng Long ngàn năm tuổi đang đến gần. Nghe đâu đây như có tiếng chân mềm mại và mơ hồ của thời gian giẫm nhẹ lên mặt nước, lên cát mịn. Bước chân li ti của cát. Hơi thở nồng nàn của lá. Cảnh vật vẫn thế. Mùa đông rồi lại mùa xuân, hết hè là sang thu, nắng và mưa, bầu trời chang chói rồi bầu trời lại xanh ngắt như không thể xanh hơn được nữa, con nước đục ngầu phù sa trước mắt vẫn ngàn năm bên lở bên bồi. Muôn năm trước vẫn thế, muôn năm sau vẫn vậy. Vĩnh hằng, bất biến. Chỉ có con người là thay đổi, thay đổi đến nao lòng. Ngàn năm…

Như cây cầu Long Biên vắt qua sông giống một hơi thở dài thiếu phụ kia. Cây cầu đã có một thời hào hùng và đau thương trong những tháng năm bom đạn, cây cầu bền bỉ chung tình đưa những đoàn quân ra trận, những đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô, đôi bận quằn lên, đứt gãy, cháy sém nhưng vẫn kiên trung bám chặt vào hai bờ cần lao, bất khuất.

Cây cầu chứng nhân của lịch sử, bằng cái dáng dẻo dai của mình nó đã đi qua thời chiến tranh, đi qua thời bao cấp ảm đạm và giờ đây thời thị trường ngang ngửa, nó vẫn nằm đó, đang nằm đó, ngang sông nhưng dáng hình đã có chiều gầy guộc, tiều tụy, âm thầm đi nhiều lắm.

Âm thầm như bị bỏ quên, như người vợ sau những tháng ngày vật vã dâng hiến hết mình cho chồng con, cho cuộc đời giờ đây đã kiệt sức, chỉ còn biết cố đem cái hình hài khô khỏng, xác xơ của mình làm nốt phận sự cuối cùng. Bởi lẽ, cạnh nó, chỉ cách không đầy ngàn mét nước, đã có một cây cầu khác nở nang, son trẻ, óng ả hơn rất nhiều làm thay phần việc hệ trọng của nó rồi: Cây cầu Chương Dương. Bên này thô sơ, bên kia là tân tiến, bên này đã về già, bên kia là phổng phao thiếu nữ.

Hai cây cầu hai thế hệ. Lịch sử một cây cầu như lịch sử cuộc đời. Mỗi cuộc đời chỉ có thể hoàn tất được một vai trò lịch sử giới hạn của mình. Sự bàn trao tất yếu sẽ xảy ra, phải xảy ra. Nhưng là sự bàn trao ngọt ngào, nặng tình nặng nghĩa. Không có cái gầy guộc bên này làm sao có cái tròn trịa bên kia, và không có cái tròn trịa bên kia thì cái gầy guộc thần thánh bên này phỏng có nghĩa gì.

Hôm qua và hôm nay. Ngày nay và ngày mai. Nương tựa. Đỡ dìu. Tôn nhau lên. Hai hình hài đại diện cho hai thời kỳ cùng soi bóng xuống sông Hồng. Chênh nhau ban ngày nhưng nhập nhau ban đêm, khi thành phố ngủ yên, hai cây cầu bỗng thành hai mẹ con rì rầm tâm sự những chuyện đã qua, những chuyện sắp tới trên sóng nước.

Để rồi giờ đây, không chỉ là một đứa con mà một loạt những đứa con khác tráng kiện, rộng dài hơn lại liên tiếp ra đời như không thể không ra đời cho một Thủ đô hoà bình, đổi mới, thân thiện và phát triển.

Ấy đấy! Chỉ có mỗi cây cầu vươn qua mặt nước mà đầu óc đã lẩn thẩn nghĩ suy lắm nỗi đến thế thì đúng là tôi già thật rồi. Tuổi già hay hoài niệm, hay giận hờn hay buồn tủi và hay so đo nhớ tiếc cái đã qua. Cũng như ngồi giữa khoảng không gian rất hiếm hoi còn giữ được cái vẻ mênh mang thanh vắng này đây, bỗng chạnh nhớ những ngày trốn học tìm ra bờ sông mơ mộng về những chân trời sặc sỡ mà không biết rằng đây là điểm khởi đầu của một chuyến đi xa vào trận mạc tới mười năm.

Lại chạnh nhớ một cánh buồm nâu se sẽ của Vũ bây giờ không còn nữa. Không còn buồm, không còn nương ngô bãi mía, không còn những tấm lưng thôn nữ lẳn tròn cúi xuống cắt cỏ ở triền đê, không còn những chuyến đò dọc đi ngược ráng chiều... Bờ sông đã trở thành phố, mặt nước cứ sôi sủi cái tiếng động cơ của các loại tàu bè qua lại.

Bầu trời dường như cũng nằng nặng hơn, thảm cát dưới chân cũng không còn mát mềm như cũ. Dòng sông đã đổi thay theo thời cuộc. Đành rằng tất yếu nó phải đổi thay nhưng sao lòng dạ lại cứ man man một nỗi buồn vô cớ thế này. Bây giờ đã thế, mươi năm sau, mấy chục năm sau, các thế hệ cháu con còn tìm đâu được một bãi bờ ngan ngát gió để mơ mộng, để suy tưởng về một khúc sông chảy ven Hà thành đã gắn bó với mọi nỗi thăng trầm của dân tộc.

Hồn vía dòng sông là hồn vía văn hoá. Biết rằng chẳng thể níu giữ mãi lấy vẻ đìu hiu lau lách thẳm sâu cái tâm hồn lúa nước nhưng không hiểu sao cứ thấy chống chếnh, hụt hẫng trong người mà thầm mong đà tiến của xã hội dẫu có gầm gào thế nào chăng nữa cũng đừng tiêu huỷ, đừng phũ phàng phủi đi cái cảnh sắc tĩnh lặng mang dấu tích ngàn năm này. Thầm mong...

Và thầm gọi như tiếng gọi tự trong lòng: Buồm ơi se sẽ thuyền về…

Người ơi! Buồm ơi! Xin hãy một lần bỏ tất cả bụi bặm và âm thanh cuồng nộ của phố phường, của kiếp mưu sinh bươn chải để ra đây, bên bờ sông ngát gió này, trước lịch sử thăm thẳm đang ướp vào không khí kia, lòng dạ sẽ thấy vơi nhẹ đi rất nhiều những buồn lo, ham hố, bon chen, tất tất cả sẽ trở thành nhỏ bé, vô vi.

Vâng, xin hãy về với sông một chiều thu nhạt nắng.