Có một lần, cũng đã lâu rồi, tôi lang thang đi ký hoạ ở một vùng quê gần Bắc Giang. Buổi trưa, tìm chỗ nghỉ chân, tôi ghé vào một căn nhà nằm sát con mương có hàng cây xoan chạy thẳng ra cánh đồng mờ mịt sương. Hôm đó là một ngày mùa đông. Ngôi nhà sạch sẽ và yên tĩnh quá, chỉ có một ông già chừng ngoài 70 tuổi đang ngồi lau chiếc bát điếu trên cái chõng tre đặt ở đầu hiên.
Đồ Hàng Mã bây giờ pha tạp nhiều thứ. Ảnh: Khánh Chi |
Chắc nhìn thấy cặp vẽ của tôi với lỉnh kỉnh màu, bút, cụ hỏi tôi có phải “thợ vẽ” không để nhờ tôi một việc. Ai mà có thể từ chối cụ được. Cụ dắt tôi vào nhà chỉ cho tôi xem một bức tranh đã ố vàng vẽ trên tấm bìa chắc ngày xưa là màu xanh. Cụ nhờ tôi tô lại bức tranh đó. Khi đã quen với ánh sáng trong nhà cụ giống như ánh sáng trong chùa, tôi thêm một lần giật mình vì nhận ra ngay đó chính là một bức tranh “Bờ Hồ”. Bức tranh vẽ bầu trời không rõ là bình minh hay hoàng hôn với một đàn chim bay, phía dưới là một nếp nhà tranh, một cây cổ thụ, một con đường. Ở góc bên này chắc còn một cái gì nữa nhưng thời gian đã làm nhoà đi.
Vào những năm 60 của thế kỷ trước, loại tranh này bắt đầu xuất hiện tại hồ Hoàn Kiếm, chúng được bày bán ở phía Đền Bà Kiệu, chỗ hiện nay có tượng đài cảm tử quân. Chắc vì thế loại tranh này có chung tên là “Tranh Bờ Hồ”. Hầu hết tranh Bờ Hồ được vẽ bằng bột màu trên những tấm bìa màu xanh, thứ hàng rất sẵn có trong các cửa hàng mậu dịch thời đó.
Đề tài tranh cũng không nhiều, đa phần là phong cảnh nhưng chẳng hề tuân theo luật viễn cận. Không có không gian cũng không có thời gian, tất cả đều giản dị như một ước lệ. Ngoài các tranh đồng quê là những bức vẽ cây cầu Hiền Lương bắc qua dòng sông Bến Hải, bên này là một cô gái miền Nam có chiếc khăn rằn ri đứng nhìn sang bờ bên kia, thể hiện niềm khát khao thống nhất. Rồi đến những bức tranh ngũ quả, tranh cuốn thư có hình ảnh Bờ Hồ...
Dòng tranh Bờ Hồ còn tồn tại mãi đến năm 80 của thế kỷ trước. Nó chỉ bị lãng quên khi những bức ảnh hoa quả rất tươi, rất thật của Thái Lan, bán rẻ tràn ngập sang. Chợt nghĩ đến đồ Hàng Mã truyền thống cũng bị một số phận như vậy.
Ngày xưa ở vùng quê, ngày xá tội vong nhân rằm tháng Bảy, người ta đốt hình nhân được làm rất đơn giản, được đi thẳng từ tâm tưởng ra đôi bàn tay khéo léo với cốt tro, bồi giấy bản, tô chút phẩm màu; tiền, vàng cũng vậy, đều mang tính tượng trưng chứ không thô thiển hàng xấp đô la được in như thật, rồi nhà cao, xe máy loè loẹt như bây giờ.
Đồ chơi Trung thu cũng mai một, trống ếch, đèn kéo quân được thay thế bằng những thứ hàng Tàu nhấp nháy, bóng loáng đang bày bán chật phố Hàng Mã.
Mất đi một dòng tranh, mất đi một làng nghề, đâu chỉ là mất đi một đồ vật để thay thế đồ khác mà là đang mất đi một ý thức, mất đi một ước mơ.
Hoạ sĩ Trịnh Tú