Dân Việt

“Lên đời” nhờ mây tre

05/09/2010 08:33 GMT+7
(Dân Việt) - Ở Lâm Đồng, nhiều nông dân đã trở thành công nhân của các cơ sở mây tre đan xuất khẩu và cuộc sống của họ đang khá dần lên.

Đến lúc này, các sản phẩm từ tre ở Lâm Đồng đã trở nên quen thuộc với khách hàng trong và ngoài nước. Gần đây, Winrock – một tổ chức quốc tế phi lợi nhuận – đã cùng Sở NN&PTNT Lâm Đồng tiến hành khảo sát và tập huấn cho bà con nông dân trong tỉnh về lợi ích cũng như các biện pháp để biến cây tre Lâm Đồng thành sản phẩm hàng hóa có giá trị xuất khẩu cao.

img
Nghề mây tre đan đang lan rộng ở Lâm Đồng.

“Việc phát triển cây tre Lâm Đồng gắn với chiến lược phát triển các làng nghề truyền thống là vấn đề đang đặt ra” – ông Nguyễn Hoàng Quang, Sở NN&PTNT Lâm Đồng cho biết. Trong thực tế, những năm qua, sản phẩm từ tre nứa của Lâm Đồng vẫn là những sản phẩm thô.

Qua khảo sát được biết, thời gian gần đây, tại các huyện phía nam của tỉnh, một số doanh nghiệp chuyên làm hàng mây tre xuất khẩu đã có những cố gắng nhất định trong việc tạo dựng cho địa phương một ngành nghề truyền thống bằng việc đưa công nhân của mình đi đào tạo, học tập tại một số làng nghề mây tre trong nước.

Cách đây vài năm, một số hộ dân của huyện Đạ Tẻh đã ra tận làng nghề tre nứa Cát Đằng (thuộc xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) để học nghề, nhờ đó, sản phẩm tre nứa của địa phương đã được cải thiện một cách đáng kể. Hay như tại huyện Đạ Huoai, một doanh nghiệp có tên là Hồng Nhung đã làm phong phú sản phẩm mây tre cho các làng nghề của địa phương bằng cách nắm bắt nhanh chóng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước để tạo ra những sản phẩm phù hợp như giỏ cắm hoa, chụp đèn, tượng trang trí, salon…

“Tuy nhiên, trong thực tế, sự lan tỏa của nghề mây tre chất lượng cao ở các huyện phía nam chưa đủ để hình thành những làng nghề truyền thống. Hiện tại, trong các “làng nghề” này, người dân vẫn sản xuất những mặt hàng tre thô như sọt đựng hàng, rổ rá… là chủ yếu” – ông Nguyễn Hoàng Quang cho biết.

Vì vậy, mục tiêu hình thành những làng nghề chuyên sản xuất mặt hàng mây tre cao cấp của Lâm Đồng vẫn là cái đích không dễ dàng đạt đến nếu không được tổ chức dạy nghề, tìm hiểu thị trường, phát triển mẫu mã, xây dựng thương hiệu.

Ngày 26-8, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt dự án phát triển vùng nguyên liệu tre ở Lâm Đồng. Theo đó, trong vòng 5 năm tới, riêng huyện Đạ Tẻh sẽ trồng khoảng 1.000ha tre (các giống tầm vông, mạnh tông…); đồng thời, hai nhà máy chế biến lâm sản từ tre và đóng hộp măng tre sẽ được hình thành trong tương lai.