Khi đã đủ lớn khôn, tôi mới biết bên kia dòng Kiến Giang, dòng sông đã tắm mát tuổi thơ chúng tôi, là nhà của một vị tướng lừng danh. Với thiên tài quân sự bẩm sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần quan trọng cùng cả dân tộc viết nên những trang sử oai hùng mà thế hệ chúng tôi đang lần theo trên từng trang sách trong những ngày đến trường.
Nhân dân Lệ Thuỷ đón Đại tướng.
Ao ước được một lần gặp Đại tướng để chiêm ngưỡng vị tướng lỗi lạc là nỗi niềm không của riêng ai. Khi trở thành người lính, khát khao ấy như được nhân lên trong tôi. Và trong một ngày tháng 3 năm 1973, khi Đại tướng về thăm Quảng Bình sau khi Hiệp định Pa ri về Việt Nam được ký kết, tôi đã được toại nguyện. Lúc đó chúng tôi đang làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh để đón Đại tướng ở cơ quan Huyện uỷ Lệ Thuỷ.
Nhưng chúng tôi làm nhiệm vụ ở "vòng ngoài" nên đã mấy ngày mà chưa thấy Đại tướng đâu. Bất ngờ Đại tướng xuất hiện, chúng tôi đứng ngây cả ra ngắm Đại tướng. Đại tướng đến bên chúng tôi hỏi han tình hình sinh hoạt, mức phụ cấp, việc tăng gia sản xuất... Lúc ấy chúng tôi quên cả việc phải đứng thành hàng dọc hai bên đường như quy định mà lại dồn thành vòng tròn theo bước chân Đại tướng, để đồng chí Trung đội trưởng khẽ nhắc mới biết.
Hai mươi năm sau, một lần nữa tôi lại được gặp Đại tướng và lần này là ở tư dinh. Đấy là dịp Báo Quảng Bình chuẩn bị làm số báo xuân Quý Dậu 1993. Trong đề cương số báo này có một nội dung quan trọng là thư chúc mừng năm mới của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lúc đó tôi đang làm bên Hội Nhà báo tỉnh nhưng lại được đồng chí Đỗ Quý Doãn, Tổng Biên tập Báo Quảng Bình, Thư ký Hội nhà báo tỉnh cử đi "tháp tùng" bác Nguyễn Văn Dinh, Phó Tổng Biên tập ra Thủ đô để đề đạt ý tưởng này lên Đại tướng. Chuyến đi còn làm một số việc của Hội Nhà báo tỉnh nhà nữa.
Cũng đã ngót 15 năm nay mới có dịp trở lại Thủ đô mà lần này lại được gặp Đại tướng tại nhà riêng nữa, nên tôi cứ thấp thỏm chờ ngày đi. Mặc dù yết kiến Đại tướng là việc của bác Dinh, nhưng tôi vẫn thấy lo lo. Liệu nhà thơ với chức "phó xẹp" (bác Dinh thường nói vậy về chức phó tổng của mình) có tiếp cận được Đại tướng để hoàn thành nhiệm vụ được giao?
Thời ấy đi ra Thủ đô thấy xa vời vợi vì đường xấu, xe đi chậm nên có quá nhiều chuyện để ba anh em (lái xe là anh Lợi) nói với nhau. Nhưng chuyện gì thì rút cục cũng trở lại việc sẽ vào yết kiến Đại tướng như thế nào cho khỏi bị thất lễ, hoặc sơ suất... Khi đến Hà Nội, bác Dinh điện ngay cho bác Huyên, thư ký của Đại tướng. Vừa từ chỗ điện thoại ra, bác Dinh nói ngay: Ngày mai Đại tướng tiếp các nhà báo từ Quảng Bình ra.
Và ngày mai ấy đã đến. Đường Hoàng Diệu mà tôi được biết đến qua những bài báo, trang sách hiện dần lên trước mặt, rồi ngôi nhà bình dị mà trang nghiêm rợp bóng cây lá của vị tướng lừng danh khắp năm châu bốn biển... Tôi líu ríu bước chân như kẻ mộng du vào nhà Đại tướng. Nhưng khi Đại tướng ôn tồn hỏi chuyện, giọng Quảng Bình thuần khiết đã làm tôi sực tỉnh.
Trước mặt tôi là Đại tướng oai phong mà bình dị, gần gũi quá. Những điều lo lắng trong tôi nhanh chóng tiêu tan. Sau khi nghe bác Dinh báo cáo về tình hình tỉnh nhà, về công việc của tờ báo, Đại tướng hỏi cụ thể từng vấn đề, đó là việc xây dựng ở Đồng Hới như thế nào, về nguồn nước ở Bàu Tró có còn dồi dào để cung cấp nước cho thị xã không, về công tác bảo vệ rừng cần phải làm thật tốt để hạn chế lũ lụt, nhất là lũ quét ( năm đó Tỉnh bị lũ quét ở Quảng Ninh, Lệ Thuỷ gây thiệt hại khá lớn về người và tài sản)...
Đại tướng căn dặn báo chí phải thực sự đổi mới để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, ngăn ngừa, cảnh báo những tiêu cực, những việc làm ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài. Đại tướng nói rằng Đồng Hới xây dựng nhanh là đáng mừng nhưng trong xây dựng phải chú ý bảo vệ môi sinh, môi trường, cảnh quan, trong quy hoạch phải tính được những bước đi lâu dài... Còn về thư chúc mừng trên báo, Đại tướng đồng ý...
Đại tướng đang nói chuyện với bà con làng An Xã, xã Lộc Thuỷ.
Rời tư dinh Đại tướng ai cũng thấy vui. Bác Dinh nói Đại tướng luôn theo sát tình hình quê nhà. Tôi nói thêm Đại tướng đang lo nỗi lo của quê nhà. Biết tỉnh nghèo, dân nghèo, cái nghèo có thể sao nhãng chuyện học hành, nên trong thư chúc tết năm ấy, Đại tướng dặn nhiều điều trong đó nhấn mạnh chuyện giáo dục, chuyện học hành của con em trong tỉnh, chú trọng nguồn nhân lực để phát triển lâu dài...
Chuyến đi ra Thủ đô lại được gặp Đại tướng tại nhà riêng năm ấy đã trở thành một kỷ niệm đẹp trong tôi. Sau này với đặc thù nghề nghiệp, tôi lại có may mắn nhiều lần được nghe Đại tướng nói chuyện trong những chuyến về thăm quê, tôi càng thêm thấm thía tình cảm và tấm lòng mà Đại tướng dành cho quê hương thật bao la...
Năm 2004, trong chuyến vào thăm tỉnh nhà (và cũng là lần cuối cùng), tại nhà khách Phú Quý (Đồng Hới) các đồng chí lãnh đạo tỉnh lặng đi vì cảm động khi Đại tướng nói: Dù ở xa nhưng tôi luôn ngóng về quê hương, có khá đầy đủ thông tin về Quảng Bình. Tỉnh nhà có việc tốt tôi vui, nhưng rất buồn khi có những chuyện chưa hay như trẻ em ném đá lên tàu, phá rừng... vẫn còn xẩy ra.
Rồi Đại tướng nhắc nhở các đồng chí lãnh đạo tỉnh tìm giải pháp khắc phục tình trạng bồi lắng ở cửa sông Nhật Lệ để bà con đi biển được dễ dàng, tránh những tai nạn đáng tiếc; phải gìn giữ nguồn nước Bàu Tró vì đây là nguồn nước quý hiếm; tiến hành quy hoạch tổng thể ở Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng...
Trong chuyến đi này, mặc dù sức khoẻ không được tốt, nhưng Đại tướng vẫn dành nhiều thời gian để nói chuyện với bà con làng An Xá.
Tại sân nhà của Đại tướng ở thôn An Xá, xã Lộc Thuỷ, bà con trong làng quây quần bên Đại tướng như đàn con, cháu bên người cha, người ông nhân từ. Vui niềm vui được mùa của bà con năm ấy nhưng Đại tướng cũng đã khuyên bà con thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phá thế độc canh cây lúa, phát triển thêm dịch vụ, ngành nghề để nâng cao đời sống...
Sinh ra bên dòng Kiến Giang hiền hoà, hạt lúa, củ khoai đồng chiêm trũng nuôi Đại tướng khôn lớn thành vị tướng lỗi lạc, lừng danh khắp năm châu bốn biển. Nhưng dù có đi khắp chân trời góc bể, Đại tướng vẫn một lòng đau đáu với quê hương...