Dân Việt

Kiến nghị hỗ trợ nông sản chủ lực

25/07/2012 08:43 GMT+7
(Dân Việt) - Ngày 24.7, tại An Giang, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chủ trì Hội nghị bàn về chính sách, mô hình phát triển các sản phẩm trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Cùng tham dự có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo TP.HCM và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, sản lượng lúa của các tỉnh vùng ĐBSCL năm 2012 dự kiến đạt 23,48 triệu tấn, hiện nay toàn vùng đang vào vụ thu hoạch vụ lúa hè thu, giá lúa hiện đang ở mức mua lúa khô từ 5.150 đồng đến 5.550 đồng/kg, lúa ướt từ 4.050 đến 4.250 đồng/kg tùy loại (giá thành kế hoạch lúa hè thu là 3.993 đồng/kg).

img
Khóm Cầu Đúc - một trong những mặt hàng nông sản chủ lực của Hậu Giang.

Về thủy sản diện tích nuôi tôm nước mặn lợ trong vùng là 614.814ha, tương đương năm trước, năm nay gặp nhiều khó khăn về thời tiết, tôm chết, hiện nay đã thu hoạch được diện tích 375.921ha, sản lượng tôm nuôi đạt 101.266 tấn. Diện tích nuôi cá tra toàn vùng đạt 3.892ha, diện tích đã thu hoạch là trên 1.612ha, đạt sản lượng 510.000 tấn, năng suất bình quân đạt 316 tấn/ha, giá cá tra trung bình 6 tháng đầu năm nay dao động ở mức từ 23.000 - 25.000 đồng/kg.

Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành vùng ĐBSCL kiến nghị các chính sách hỗ trợ, tăng cường liên kết đối với sản xuất lúa và một số mặt hàng nông sản, thủy sản chủ yếu như: Đối với cây lúa tập trung giải quyết vấn đề nước tưới (hỗ trợ kinh phí củng cố đê bao sản xuất lúa vụ thu đông, bơm tát nước cho sản xuất vụ đông xuân tới), áp dụng chính sách hỗ trợ tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, theo hướng tăng mức vốn vay.

Về xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đề nghị ngân sách Nhà nước hỗ trợ đầu tư 100% kênh mương cấp 1, cấp 2; hỗ trợ 50% giống lúa cho 1 vụ đầu, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân đầu tư máy nông nghiệp, hệ thống sấy lúa; hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, huấn luyện nông dân các kỹ năng sản xuất và phối hợp tiêu thụ sản phẩm.

Cần thiết phải phát triển các mô hình liên kết sản xuất giữa hộ nông dân, các tổ chức hợp tác như hợp tác xã với các thành phần kinh tế ở nông thôn trong vùng, với hai sản phẩm chủ lực của vùng là lúa và cá, nếu thực hiện đúng với tinh thần liên kết, sẽ giúp tăng thu nhập cho nông dân, góp phần thúc đẩy xây dựng các tiêu chí nông thôn mới, tạo điều kiện để phát triển bền vững các sản phẩm trọng điểm của vùng ĐBSCL từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: “Vấn đề liên kết vùng cực kỳ quan trọng, liên kết vùng này với vùng khác. Điều này sẽ giúp giải quyết được đầu vào, đầu ra cho sản phẩm của nông dân”.