Ngôi làng này nằm giữa cộng đồng dân cư thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.
Nùng - K'Ho là một
Dẫn chúng tôi đi dọc con đường sạch sẽ cạnh những ruộng lúa còn thơm mùi rạ, ông Đỗ Anh Học - Tổ trưởng tổ dân phòng thôn Tiên Phong (thường gọi là làng Nùng) kể: Làng Nùng ngày trước chỉ có 8 hộ với hơn chục nhân khẩu, chủ yếu là anh em họ hàng quây quần trên một ô đất nhỏ, nghèo khổ cùng cực tưởng như không thể trụ nổi… Nhờ sự giúp đỡ của Đảng, chính quyền, sự đùm bọc, sẻ chia của anh em dân tộc K'Ho nơi đây, làng Nùng mới có được như ngày hôm nay…
Các thế hệ đồng bào Nùng quây quần bên những ngôi nhà xây khang trang. |
Trong ngôi nhà khang trang được xây dựng từ năm 2008, ông Bế Văn Dịch (57 tuổi) tâm sự: Quê hương thì yêu đấy, nhớ đấy nhưng cùng cực quá, không có cách nào làm ăn nên mới trôi dạt về đây. Giờ ở quê mới không còn nghèo khổ nữa.
Khác với ông Dịch, bà Bế Thị Trà (63 tuổi) cùng con cháu ở trong một ngôi nhà gỗ làm theo kiểu quê cũ. Trong nhà đầy đủ tiện nghi được sắp xếp ngăn nắp. Mời khách ngồi lên chiếc chiếu hoa mới tinh, bà dùng tay vỗ vỗ xuống nền nhà nói: “Nền nhà này là do ông K'Bríu - người K'Ho cho tôi lúc mới vào. Ông ấy tốt lắm, cho nhà tôi hẳn một sào đất để cất nhà. Ở đây người Nùng và K'Ho là một”.
Giữ truyền thống, bỏ hủ tục
Vốn có một kho tàng văn hóa dân gian phong phú, sống trên quê mới, những điệu hát soong hao của người Nùng vẫn luôn vang vọng. Trong tiếng Nùng, soong hao có nghĩa là "đôi ta", là một làn điệu dân ca trữ tình đối đáp nam nữ.
Dù đã xa quê hương Bản Giốc - Pác Bó gần 30 năm, nhưng bà Trà vẫn giữ nguyên vẹn cách ăn mặc quần vải, áo chàm, khăn mỏ quạ. Đây là trang phục truyền thống của người con gái Nùng. Rồi những món ăn truyền thống, những loại bánh trái đặc trưng của xứ Nùng như bánh tro, bánh gai, cũng được các mẹ, các chị giữ gìn trong những ngày lễ tết. Đặc biệt, món bánh tro giờ đã trở thành loại bánh cúng tổ tiên trong ngày Tết Đoan ngọ của mọi nhà nơi cao nguyên Lâm Viên…
Cùng với việc giữ gìn những truyền thống quý báu của quê nhà, thì những hủ tục cũ cũng được bà con ở đây xóa bỏ. Nếu ngày trước, bao chàng trai không lấy được người con gái mình thương yêu, vì nhà gái thách cưới cao thì nay không còn những cảnh ngậm ngùi ấy. Những hủ tục trong ma chay cũng đã văn minh hơn, không còn cảnh để quan tài người thân trong nhà cả chục ngày, nửa tháng chờ ngày tốt mới đưa đi…
Cuộc sống của đồng bào Nùng trên cao nguyên Lâm Viên đang từng ngày thay da, đổi thịt… Ngắm hình ảnh làng Nùng với những chiếc máy cày chạy băng băng trên đồng lúa, những vườn cà phê xanh mướt trong nắng cao nguyên, ai cũng có chung niềm vui tin tưởng: Những gì đồng bào Nùng trên cao nguyên có được hôm nay, mới chỉ là những khởi động cho một tương lai mới bắt đầu…
Nguyễn Giang