Sự “trầm lắng“, “sôi động“ hoặc nguy cơ “tạo ra bong bóng BĐS“ hoặc “đổ vỡ thị trường trên diện rộng“ phần lớn cũng bắt nguồn từ các yếu tố này...
Nhận định này được đưa ra trong báo cáo của Bộ Xây dựng gửi Chính phủ để Chính phủ tập hợp, báo cáo trước Quốc hội trong kỳ họp thứ 8 tới đây.
Đánh giá chung về thị trường BĐS tám tháng năm đầu năm 2010, Bộ Xây dựng cho rằng: Thị trường BĐS tiếp tục đà hồi phục nhanh. Nhu cầu về nhà ở đô thị, đặc biệt là nhà ở xã hội, văn phòng, BĐS thương mại và du lịch vẫn tăng mạnh. Tại khu vực đô thị vẫn còn khoảng 7 triệu người có nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở xã hội với tổng diện tích nhà ở lên tới 150 triệu m2, riêng Hà Nội cần 5,5 triệu m2, TP Hồ Chí Minh cần khoảng 5 triệu m2.
Tính đến 31-7, tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực BĐS đạt 210.770 tỷ đồng, tăng 14,38% so với thời điểm 31-12-2009, tỷ lệ nợ xấu thấp hơn 2%. Trong đó, tính đến 20-8, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực kinh doanh BĐS đạt 2.358 triệu USD, chiếm 21,8% tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới của cả nước, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm 2009.
Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, thị trường BĐS vẫn phát triển thiếu ổn định, không bền vững. Giá BĐS nói chung, trong đó giá nhà ở nói riêng tại các đô thị lớn là quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân, của nền kinh tế và quá xa giá trị thực của BĐS đặc biệt ở TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Bên cạnh các nguyên nhân như quản lý nhà nước về thị trường chưa chặt chẽ, các chủ đầu tư có nhiều hiểu hiện lách, phạm luật... Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự bất ổn của thị trường này là do hệ thống tài chính BĐS chưa hoàn thiện.
Ví dụ, quý III năm 2009, việc chờ đợi có tiếp tục gói kích thích kinh tế thông qua hỗ trợ 4% lãi suất hay không, đã khiến thị trường BĐS gần như không có biến động. Quý IV năm 2009, một số phân khúc thị trường BĐS tại Hà Nội lại có biến động nhưng không lớn do không có tín hiệu hỗ trợ từ hệ thống ngân hàng. Đến quý III năm 2010, cùng với việc thắt chặt tín dụng cho thị trường BĐS, thị trường BĐS bắt đầu có dấu hiệu đình trệ về giao dịch.
Để tránh tác động tiêu cực đến thị trường BĐS từ các chính sách và tổ chức tín dụng, Bộ xây dựng kiến nghị Chính phủ sớm xây dựng hệ thống tài chính phát triển thị trường BĐS. Trước mắt thị trường BĐS vẫn tiếp tục phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Vì vậy, Bộ này đề nghị, các chính sách tài chính tiền tệ khi ban hành cần rất linh hoạt để vừa đảm bảo không tạo ra “bong bóng” trên thị trường BĐS, nhưng cũng không thắt chặt đột ngột gây “đổ vỡ” thị trường trên diện rộng.
Về lâu dài Bộ Xây dựng kiến nghị cần thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở để hỗ trợ cho người lao động có điều kiện mua nhà. Đồng thời nghiên cứu thí điểm thành lập Cơ quan tái tài trợ thế chấp và mô hình Quỹ đầu tư tín thác BĐS để tạo thêm nguồn cung cấp vốn ngoài các tổ chức tín dụng cho thị trường BĐS.
Ngoài ra, Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh tập trung nguồn lực cho các chương trình nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu nhà ở cho những người, khu vực có điều kiện khó khăn.
Sỹ Lực