Dân Việt

Chiến lược lồng ghép tạo nên thành công

19/09/2010 09:08 GMT+7
(Dân Việt) - Với các cam kết và hành động ngày càng mạnh mẽ của Chính phủ, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) trước thời hạn.
img
Việt Nam đã đạt được những thành tựu tăng trưởng quan trọng. Ảnh cầu Cần Thơ - động lực phát triển của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Thành tựu tăng trưởng kinh tế

Đó là khẳng định của Điều phối viên UNDP John Hendra tại Lễ công bố báo cáo quốc gia về MDGs sáng 17-9 tại Hà Nội.

Tại lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho biết, đây là báo cáo mục tiêu MDGs lần thứ ba do Chính phủ VN thực hiện, đã tổng kết, đánh giá các thành tựu đạt được trong 10 năm qua, tương đương với 2/3 chặng đường thực hiện mục tiêu này.

Ông Sinh nhấn mạnh, trong một thập kỷ qua, VN đã đạt được những thành tựu quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Cụ thể, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân trong thời điểm 2001-2010 đạt 7,2%. GDP bình quân đầu người năm 2010 ước đạt 1.200 USD. Với mức này, VN đã chuyển vị trí từ nhóm nước nghèo nhất sang nhóm nước có thu nhập trung bình thấp.

Báo cáo công bố ngày 16-9 của Viện Phát triển hải ngoại (ODI), có trụ sở tại London (Anh), nhận định: Tăng trưởng kinh tế hai thập niên qua của VN là vượt bậc. Báo cáo cũng viết rằng "sự lãnh đạo có tính thực tiễn" của Đảng CSVN đã góp phần vào việc tiếp nhận, thực hiện một loạt chính sách cải cách, và đây được cho là một yếu tố "tạo điều kiện cho phát triển". Theo đánh giá của ODI, đến năm 2011, VN có nhiều khả năng gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình.

"Với VN, phấn đấu thực hiện các mục tiêu MDGs cũng chính là nỗ lực thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo và phát triển xã hội của quốc gia" - Thứ trưởng Cao Viết Sinh khẳng định.

Trong 10 năm qua, VN đã đạt mục tiêu "giảm một nửa tỷ lệ nghèo" vào năm 2002; hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000. Mặc dù diễn biến còn phức tạp song tốc độ lây nhiễm HIV ở VN đã bước đầu được kiềm chế…

Việt Nam có thể tự hào

Việc hoàn thiện báo cáo mục tiêu MDGs 2010 của VN không thể không nhắc tới những đóng góp, hỗ trợ của Chương trình phát triển LHQ (UNDP). Nhắc lại những thành tựu trong thực hiện mục tiêu MDGs của VN, ông John Hendra khẳng định: "Không thể phủ nhận rằng VN đã thu được những thành tựu ấn tượng trong tiến trình thực hiện MDGs và đã đạt được nhiều mục tiêu trước thời hạn 2015. Đó chính là nhờ cam kết và hành động mạnh mẽ của Chính phủ VN, trong đó phải nói đến chiến lược lồng ghép MDGs vào các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội ở cấp Trung ương và địa phương".

Ông Hendra cho rằng, sự lồng ghép này đã giúp VN thành công trong công cuộc giảm nghèo, nâng cao sức khỏe bà mẹ trẻ em, tiến bộ nhiều trong việc bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ… "Khi báo cáo này được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trình bày trước LHQ vào tuần tới, VN có thể tự hào chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về hoàn thành MDGs trước các quốc gia cùng thực hiện mục tiêu này" - ông nhấn mạnh.

Bốn thách thức lớn

Theo nhận định của Điều phối viên John Hendra, VN sẽ phải đối mặt với bốn thách thức lớn trong việc duy trì những thành tựu đã có. Ông Hendra quan ngại rằng, vào thời hạn năm 2015, VN có thể không đạt được mục tiêu về giảm thiểu lây nhiễm HIV đối với các nhóm nguy cơ cao nếu như vấn đề tiếp cận dịch vụ không được tăng cường đáng kể. Ngoài ra, VN vẫn chưa đạt được hoàn toàn một số mục tiêu khác như lĩnh vực dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, nước sạch, vệ sinh và mục tiêu thứ 7 (MDG7) là bền vững môi trường vẫn đang là trở ngại không nhỏ.

Thách thức tiếp theo là việc đảm bảo các mục tiêu sẽ đạt được ở từng khu vực nhỏ lẻ, chứ không chỉ ở cấp quốc gia. Ông Hendra nói: "Ví dụ như hơn một nửa người dân tộc thiểu số ở VN vẫn sống dưới chuẩn nghèo. Tỷ lệ tử vong của bà mẹ ở nông thôn cao gấp hai lần so với thành thị và tỷ lệ biết chữ của người dân tộc thiểu số còn khá thấp". Hai thách thức lớn mà ông Hendra vạch ra chính là chiến lược tính đến những rủi ro tiềm ẩn trong 5 năm cuối của quá trình thực hiện MDGs và hạn chế mức độ tác động của biến đổi khí hậu đối với người nghèo.