Tại một vườn hoa ở thủ đô Harare, trước sự chứng kiến của một tu sĩ, Tsvangirai 60 tuổi và bạn tình Elizabeth Macheka 35 tuổi trao đổi lời thề ước hôn nhân và trao nhẫn cưới cho nhau, nhưng họ không ký tên vào bản đăng ký hôn thú. Tiếp đó, Tsvangirai mở tiệc cưới linh đình đãi hàng trăm khách, nhưng Tổng thống Robert Mugabe và nhiều lãnh đạo quốc gia không đến dự dù đã được mời.
Đám cưới giữa Thủ tướng Tsvangirai với cô Macheka |
“Tôi còn độc thân”
Tsvangirai khẳng định ông không quen người phụ nữ nào khác từ khi người vợ 31 năm chung sống của ông là Susan chết trong một tai nạn xe hơi hồi tháng 3.2009, không lâu sau khi ông nhậm chức thủ tướng hồi tháng 3.2009. Ông bị thương nhưng sống sót và tiếp tục nuôi 6 đứa con. Ông nói từ 3 năm nay ông phải hẹn hò với nhiều người phụ nữ để nay ông mới tìm được một người ông thật sự yêu. Ông bác bỏ các tờ báo thân chính phủ lên án ông là người “lắm bồ bịch” thì không xứng đáng lãnh đạo đất nước.
Luật hôn nhân Zimbabwe cấm nam công dân lấy nhiều vợ, nhưng phong tục truyền thống lại cho phép đàn ông đa thê. Thông tin nêu rằng ban đầu Tsvangirai tính chuyện làm đám cưới theo luật, nhưng vì bị “trục trặc” kỹ thuật nên ông chọn cách cưới vợ theo phong tục. Cô dâu là con gái một thành viên cấp cao trong Đảng Zanu-PF của ông Mugabe.
Đám cưới này xảy ra sau khi người tình cũ Locardia Karimatsenga Tembo 40 tuổi xộc vào tòa để tìm cách ngăn chặn cuộc hôn nhân vào thứ năm tuần qua. Bà “cò” bất động sản này nói bà vẫn còn là vợ của Tsvangirai.
Đó là lần thứ hai bà Tembo muốn chặn cuộc hôn nhân này, vì một phiên tòa cấp cao trước đó không xét yêu cầu của bà, với lý do bà không chứng minh được bà là vợ của thủ tướng. Bà tìm đến một cấp tòa thấp, cho họ xem đoạn video làm chứng một đám cưới theo phong tục, nơi “đại diện nhà trai” thay mặt ông trình các món quà cưới cho nhà gái. Vị thẩm phán bèn cho bà trát ngăn chặn và đơn kháng án của Tsvangirai nộp khẩn rạng sáng thứ bảy đã bị bác. Vị thẩm phán cảnh cáo nếu ông Tsvangirai ký tên vào bản hôn thú, ông có thể bị truy tố phạm tội đa thê.
Vài ngày trước nữa, tòa cũng bác yêu cầu của bà Nosipho Regina Shilubane người Nam Phi: bà cũng nhờ tòa ngăn chặn đám cưới của Tsvangirai, với lý do bà đang là vợ chưa cưới của ông, và họ đã có quan hệ tình cảm từ năm 2009. Bà kể Tsvangirai đã hứa sẽ cưới bà làm vợ: “Chúng tôi rất yêu nhau và tôi phản đối việc cấp hôn thú cho họ. Hồi tháng 2.2011, Morgan cầu hôn với tôi và nói rõ sẽ làm đám cưới ở Zimbabwe”.
Locardia Karimatsenga Tembo |
Lấy vợ 12 ngày rồi bỏ
Báo chí địa phương nói ông Tsvangirai đã cưới nữ doanh nhân Tembo vào ngày 21.11.2011. Ông đã nộp số tiền tương đương 36.000USD và 15 con bò cho nhà gái. Trước đó, vị tù trưởng bộ tộc Shona buộc ông trong vòng 30 ngày phải nộp vạ 2 con bò và 2 con cừu cùng một số ký bông gòn, do ông “phớt lờ” văn hóa truyền thống khi lấy vợ trong tháng 11, một sự kiêng kỵ của bộ tộc, vì thời gian đó là “thánh thiêng”. Nhiều người nghĩ cưới trong tháng này chỉ đem lại điều xui xẻo, nhưng ông nói sẽ không tuân lệnh tộc trưởng.
Sau khi Tsvangirai và Tempo làm đám cưới, các tờ báo do chính phủ kiểm soát “bới móc” rằng thủ tướng Tsvangirai vội lấy vợ để “hợp thức hóa” cái bầu sinh đôi. Tại Zimbabwe, chuyện “ăn cơm trước kẻng” là một điều kiêng kỵ đối với phụ nữ chưa chồng. Còn có tin đồn bà toan tự sát, chỉ đồng ý làm vợ Tsvangirai do bà có bầu.
Tờ Herald - tỏ ra thù địch với Tsvangirai - còn nói ông có nhiều “bồ” và ông đã hứa sẽ cưới người phụ nữ khác. 12 ngày sau lễ cưới, Tsvangirai tuyên bố kết thúc cuộc hôn nhân này và bồi thường cho nhà gái. Tsvangirai đổ tội cho báo giới khiến ông chóng ly dị Tempo: “Từ lúc đám cưới, báo chí phơi bày đủ chuyện, tôi trở nên một khán giả và mọi sự diễn ra quá nhanh trước ống kính, ngoài sức hiểu biết của tôi.
Điều này khiến tôi kết luận đang có một âm mưu lớn nhằm khiến tôi bị mất tín nhiệm từ cuộc hôn nhân”. Do Tempo là chị của một nghị sĩ thuộc Đảng Zanu-PF của ông Mugabe - bố của bà đã qua đời cũng từng là chiến hữu trong lực lượng du kích của Mugabe hồi những năm 1970 - nên Tsvangirai nói điệp viên trung thành của Mugabe đã bày mưu tạo ra mối quan hệ tình cảm này. Nhưng Tổng thống Mugabe đề nghị báo giới để Tsvangirai yên: “Ông ấy muốn có 1 hoặc 2 vợ thì đó là quyền của ông ấy”.
Kình địch chờ “nã đạn”
Người phát ngôn của Tsvangirai phủ nhận các phán quyết chống lại ông, gọi là âm mưu của cơ quan an ninh nhằm bôi nhọ uy tín người đang muốn “lật đổ” chế độ cầm quyền của ông Mugabe. Mối quan hệ mong manh giữa hai nhân vật quyền cao chức trọng nhất - nhì Zimbabwe thêm căng, sau khi ông Tsvangirai khẳng định ông Mugabe làm ầm ĩ chuyện hôn nhân của ông.
Hai ông là đối thủ chính trị nhiều năm trước khi hai người thỏa thuận “cưa đôi” quyền lực hồi năm 2009. Là Chủ tịch Phong trào thay đổi dân chủ (MDC), Tsvangirai từng bị hành hung, bị giam giữ do chống đối chế độ Mugabe. Tại cuộc bầu cử tổng thống năm 2008, các nhà quan sát độc lập nói ông trúng cử nhưng sau đó Mugabe không chịu “nhả” ghế tổng thống mà ông ngồi từ năm 1980. Mugabe thuyết phục Tsvangirai lập chính phủ liên hiệp.
Kể từ đó, hai người có “chiến tranh lạnh” trong chính phủ, Mugabe bị chỉ trích toan tính bôi nhọ thủ tướng nên chuyện lèo lái đất nước hoàn toàn không hiệu quả. Zimbabwe từng là thuộc địa Anh, từng là “rổ bánh mì” giàu có của châu Phi, nhưng nay là một trong những nước nghèo nhất thế giới, 2/3 dân số kiếm chưa nổi 1 bảng/ngày và một nửa nguồn lao động đang bị thất nghiệp.
Năm 2008, Zimbabwe bị lạm phát nặng 230 triệu %, có nghĩa tiền giấy trở nên vô giá trị ngay khi vừa in ra. Mugabe hiện có tin bị ung thư tuyến tụy, thường phải qua Singapore chữa trị. Ông tuyên bố năm 2012 sẽ tổ chức bầu cử tổng thống nhưng không công bố thời hạn cụ thể.