Dân Việt

Nhà nước phải có cách quản lý rủi ro

19/09/2010 00:01 GMT+7
(Dân Việt) - TS. Lê Đức Thịnh - Trưởng Bộ môn Thể chế nông thôn, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bàn về thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.

Xác định rõ loại hình bảo hiểm

Thưa ông, chủ trương BHNN đã có từ lâu, song vì sao cho đến bây giờ chúng ta vẫn loay hoay với vấn đề này?

- Đúng là chủ trương BHNN đã có từ lâu rồi, trước chúng ta đã từng thí điểm ở 10 tỉnh. Trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển theo hướng tập trung, hàng hoá như hiện nay, nhu cầu bảo hiểm càng trở nên cấp bách. 

img
Gặt lúa chạy bão số 3 (2010) ở Quảng Bình

Song vì sao loại hình này vẫn chưa thành công? Theo tôi, ở đây có một số nguyên nhân chính, đó là do sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, chưa mang tính hàng hoá. Các cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động kinh tế nông nghiệp nói chung, sản xuất nông nghịêp nói riêng còn thấp kém, đã tạo ra nhiều rủi ro hơn cho nông nghiệp, khi đó lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm cũng bị đe doạ.

Một lý do nữa là tổ chức sản xuất, chưa tốt. Ví dụ, như để có bảo hiểm tốt, sản xuất trang trại phải được tổ chức như thế nào, đối với sản xuất nhỏ, lẻ thì phải có hợp tác xã và ai sẽ là người đứng ra đại diện để ký kết hợp đồng bảo hiểm… Do BHNN phải chi phí lớn, nên nông dân cũng không quan tâm.

Còn có một nguyên nhân nữa là phương pháp bảo hiểm. Trước đây, khi thực hiện tín dụng bảo hiểm, chúng ta phân ra làm hai loại là bảo hiểm truyền thống và bảo hiểm theo chỉ số. Bảo hiểm truyền thống dựa trên căn cứ vào đánh giá thiệt hại thường rất khó khăn tốn kém và chỉ áp dụng cho các hộ sản xuất lớn, còn đối với các hộ nông dân nghèo, sản xuất nhỏ thì không được. Chúng ta cũng từng thực hiện BHNN, nhưng là giao cho ngân hàng liên kết với ngân hàng, đây thực chất chỉ là bảo hiểm vốn, chứ không phải bảo hiểm trực tiếp cho nông dân sản xuất nông nghiệp.

Dự kiến nhà nước sẽ bỏ tiền ra cho nông dân nghèo mua chi phí bảo hiểm từ 90-100%. Như vậy, chi phí cho chính sách này sẽ rất lớn, nhà nước có đủ khả năng thực hiện?

-Về vấn đề tài chính cho BHNN, theo nghiên cứu của chúng tôi, trên thế giới ít có quốc gia nào thực hiện việc này mà Chính phủ lại không lấy tiền từ ngân sách để hỗ trợ cho BHNN, nhất là trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp còn rủi ro, người nông dân còn nghèo. 

Đối với nông dân, có khi không rủi ro họ cũng đòi, nhưng có lúc họ bị rủi ro thật, thì doanh nghiệp trốn chạy, không trả. Việc đó phải được xử lý như thế nào, tất cả phải đưa ra được các điều kiện pháp lý cụ thể để phán xử.

Do đó, muốn được tham gia bảo hiểm phải có sự hỗ trợ của nhà nước, vì nói sòng phẳng ra, BHNN không có lãi. Trước đây, khi nguồn ngân sách của mình còn khó khăn, do đó chưa có đủ kinh phí để hỗ trợ, còn bây giờ theo tôi bắt buộc phải có sự hỗ trợ của nhà nước.

Ở Trung Quốc họ cũng mua bảo hiểm cho nông dân với mức hỗ trợ 70-80% chi phí. Nhưng theo tôi, sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của nhà nước, nhất là vấn đề quản lý rủi ro còn quan trọng hơn. Cụ thể, để hỗ trợ bảo hiểm tốt, hệ thống cảnh báo thiên tai, hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh, vệ sinh dịch tễ… phải vận hành tốt hơn, từ đó để làm giảm đi những rủi ro cho sản xuất nông nghiệp.

Mặt khác, trong dự thảo mới cũng đề cập đến nhiều chính sách bảo hiểm cho người nghèo, khi đã đưa ra chính sách đó, nhà nước phải đưa ra phương pháp quản lý đi kèm, ở đây chính là phương pháp quản lý rủi ro.

Trong trường hợp, nhà nước đứng ra mua bảo hiểm cho dân, liệu chúng ta có vấp phải quy định theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về vấn đề trợ giá cho nông nghiệp?

- Hoàn toàn không vi phạm. Ở đây, nhà nước chỉ hỗ trợ nông dân về mặt rủi ro, nằm trong "hộp da cam", chứ không thuộc "hộp xanh" (hạn chế trợ giá nông nghiệp) của WTO. Hơn nữa, chúng ta hỗ trợ bảo hiểm cho nông dân chỉ là về mặt kỹ thuật, nên không có vấn đề gì.

Hình thành tổ chức nông dân tham gia bảo hiểm

Trên thực tế, đã có 4 doanh nghiệp tham gia vào thị trường BHNN, nhưng đều chưa thành công. Vậy nhà nước cần có cơ chế gì để giúp đỡ doanh nghiệp, thưa ông?

-Theo tôi, điều kiện đầu tiên là tuỳ theo đối tượng tham gia bảo hiểm để xác định phương pháp bảo hiểm. Chẳng hạn đối với các tổ chức sản xuất lớn như công ty, trang trại, sử dụng phương pháp bảo hiểm truyền thống là hợp lý. Nhưng đối với các hộ nông dân đơn lẻ, không thực hiện như thế được, mà áp dụng bảo hiểm theo chỉ số sẽ thích hợp hơn. Hơn nữa, nếu chỉ áp dụng một loại hình bảo hiểm, những người giàu cũng tham gia vào bảo hiểm của nông dân nghèo là khập khiễng.

Nếu thực hiện bảo hiểm truyền thống đối với các trang trại, cơ sở sản xuất lớn, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải tự bỏ chi phí để đánh giá thiệt hại. Còn bảo hiểm chỉ số cho các hộ nông dân nhỏ, lẻ rất cần có sự hỗ trợ của nhà nước, một mình doanh nghiệp không thể làm được, ví dụ như việc cung cấp các tư liệu về thời tiết và các điều kiện khác.

Đặc biệt, nhà nước phải có chiến lược về quản lý rủi ro. Đó là phải đưa được ra sự tính toán cụ thể, chẳng hạn như vùng A này trồng cây gì, vùng B nuôi con gì và sẽ có những rủi ro gì từ cây, con đó. Thường những rủi ro đó chỉ đem lại cho một vài đối tượng sản xuất, chẳng hạn như ở Tây Nguyên, có thể hạn hán đem lại rủi ro cho cây cà phê, song đối với cây ca cao hay cây mơ thì không có vấn đề gì. Như vậy, quản lý rủi ro phải đi liền với quy hoạch sản xuất, nhà nước cũng phải có hệ thống theo dõi, giám sát, quản lý vấn đề này.

Chính sách bảo hiểm lần này của nhà nước chủ yếu "nhắm" đến người nghèo, hộ sản xuất nhỏ. Nhưng đây lại là vấn đề khó khăn nhất, theo ông cần phải có giải pháp gì để giải quyết?

-Nếu cứ để nông dân làm tự do, không có trong tổ chức, sẽ làm tăng chi phí bảo hiểm rất lớn. Vì thế, về lâu dài vẫn phải có tổ chức nông dân, một mặt để các doanh nghiệp giảm bớt hợp đồng bảo hiểm, một mặt tổ chức nông dân sẽ giúp nhà nước quản lý phần vốn hỗ trợ và triển khai thực hiện bảo hiểm.

Theo nghiên cứu của chúng tôi, chúng ta cũng có thể tham khảo cách làm của Trung Quốc. Năm 2006, nước này đã ra Luật HTX, thực chất chỉ là thực hiện các dịch vụ công, nhiều hơn là kinh tế hợp tác, họ dùng hợp tác xã để làm các dịch vụ công cho nông dân, người nghèo, qua đó đã hình thành lên các công ty, doanh nghiệp công ích phục vụ nông dân.

Một vấn đề nữa là tổ chức doanh nghiệp bảo hiểm. Tốt nhất là phải xây dựng được hệ thống, thị trường chuyển nhượng bảo hiểm bình đẳng, tạo ra sự cạnh tranh, không nên chỉ tập trung vào một doanh nghiệp nào đó.

Để thực hiện BHNN, phải có hành lang pháp lý rất cụ thể. Theo ông, chúng ta cần xây dựng vấn đề pháp lý ra sao?

-Tôi cho rằng, việc xây dựng hệ thống pháp lý để thực hiện BHNN là điều rất quan trọng. Bởi thực chất, BHNN là các hợp đồng kinh tế. Đối với nông dân, có khi không rủi ro họ cũng đòi, nhưng có lúc họ bị rủi ro thật, thì doanh nghiệp trốn chạy, không trả. Việc đó phải được xử lý như thế nào, tất cả phải đưa ra được các điều kiện pháp lý cụ thể để phán xử.

Một khi đã là hợp đồng có vấn đề, phần thắng thường thuộc về doanh nghiệp. Ngay trong hợp đồng bảo hiểm, cũng phải có trọng tài, nếu không chỉ có lợi cho doanh nghiệp. Vì thế, xây dựng hệ thống pháp lý cũng là để giúp bảo vệ quyền lợi cho cả nông dân và doanh nghiệp.

Xin cảm ơn ông!