Dân Việt

Thịt ngoại "đe dọa" một triệu nông dân

20/09/2010 06:14 GMT+7
(Dân Việt) - Nếu tiếp tục nhập khẩu thịt, mỗi năm sẽ có ít nhất 1 triệu nông dân mất việc làm, số lượng người đói sẽ tăng lên, PGS-TS. Nguyễn Đăng Vang - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KH-CN&MT của Quốc hội cho biết.

Trước “làn sóng” nhập khẩu thực phẩm, trong đó có thịt ngoại ngày một tăng, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 133 (có hiệu lực từ 24-10) nhằm hạn chế nhập siêu mặt hàng này.

Ngành chăn nuôi bị đe doạ

Thống kê mới nhất của Bộ NN&PTNT cho biết, chỉ trong 7 tháng đầu năm nay đã có tới 60.000 tấn thực phẩm các loại được nhập khẩu về nước ta. 

img
Tăng thuế nhập khẩu sẽ góp phần hạn chế thực phẩm vào Việt Nam (ảnh minh hoạ, chụp tại siêu thị BigC Hà Nội).

“Một thực tế là, có rất nhiều nước đang muốn đưa thịt vào VN, cứ theo đà này, từ năm 2015 đến 2020 số người mất việc sẽ còn tăng lên”, ông Vang nói.

Sở dĩ lượng thực phẩm nhập về ngày một tăng chính do giá thực phẩm ngoại còn… rẻ hơn cả giá thực phẩm sản xuất trong nước. Theo số liệu của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT): “Thực phẩm đông lạnh các loại như thịt đùi, thịt mảnh khi nhập về đến nước ta chỉ có giá từ 1.700-1.800 USD/tấn.

Mức giá trên bằng với giá thịt lợn hơi trong nước, còn giá thịt lợn mảnh của Việt Nam sau giết mổ có giá đến 2.500 USD/tấn, cao hơn 700-800 USD/tấn so thịt đông lạnh nhập khẩu, thậm chí như cổ cánh, đùi gà từ Mỹ nhập khẩu về nước còn rẻ hơn so với thịt gà trong nước”.

Ông Trần Thế Xường, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: “Với tình hình như hiện nay, tăng thuế nhập khẩu đối với thực phẩm đông lạnh là đúng. Nếu không, một khi thực phẩm giá rẻ từ các nước như Mỹ, Canada, EU… đổ bộ vào VN sẽ “giết chết” ngành chăn nuôi trong nước. Đó là chưa kể sự thách thức từ một lượng lớn thực phẩm được nhập về qua con đường tiểu ngạch như gà từ Trung Quốc, trâu, bò từ Thái Lan”.

Ngoài ra, theo ông Xường: “Việc nâng thuế nhập khẩu này sẽ ít nhất bảo hộ ngành chăn nuôi trong nước thêm 1-2 năm nữa, đây là mức thuế đúng như xuất phát điểm ban đầu do chúng ta đã giảm thuế quá nhanh. Sau đó khi đi vào lộ trình cam kết với WTO, chúng ta sẽ lại trả lại mức thuế theo quy định. Quan trọng hơn, ngành chăn nuôi cần có thêm sự chuẩn bị để cạnh tranh với thực phẩm ngoại trong tương lai”.

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 8, riêng mặt hàng thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu nhập khẩu về nước ta đã lên đến gần 1,5 tỷ USD, rau quả 178 triệu USD, sữa và các sản phẩm sữa 500 triệu USD, thuỷ sản 201 triệu USD, lúa mỳ 338 triệu USD… Ông Xường cho biết: “Do giá thức ăn chăn nuôi từ đầu năm đến nay tăng quá cao, trên 20%, trong khi thực phẩm lại chỉ tăng có 7%, nên nếu không thực hiện việc tăng thuế nhập khẩu thực phẩm trở lại, người chăn nuôi sẽ càng khó khăn hơn”.

Duy trì đến năm 2012

img Một khi thực phẩm giá rẻ từ các nước như Mỹ, Canada, EU… đổ bộ vào VN sẽ “giết chết” ngành chăn nuôi trong nước. img

Ông Trần Thế Xường- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi

Trao đổi với NTNN, ông Phạm Đình Thi- Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) khẳng định: “Việc ban hành thông tư này không ảnh hướng tới biểu thế cam kết của nước ta khi gia nhập WTO (đến năm 2012, VN mới phải áp dụng lộ trình cắt giảm thuế đối với các mặt hàng thực phẩm- PV).

Ngoài ra, việc nâng thuế các mặt hàng này cũng sẽ không ảnh hưởng tới mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ. Việc ban hành chính sách này cũng đã được nghiên cứu kỹ lưỡng về những tác động không chỉ về kinh tế mà còn được xem xét kỹ cả ở lĩnh vực xã hội”.

Còn ông Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN cho rằng: “Việc tăng thuế suất nhập khẩu các mặt hàng nông sản sẽ không tác động lớn tới chỉ số giá tiêu dùng vì số lượng nhập khẩu thực tế không nhiều so với con số xuất khẩu. Với chính sách này của Bộ Tài chính, tôi nghĩ sẽ hạn chế nhập siêu, tạo điều kiện cho các mặt hàng nông sản trong nước phát triển”.

Theo Thông tư 133 của Bộ Tài chính, thịt, các phụ phẩm dạng thịt sau giết mổ hoặc tiết, đã chế biến hoặc bảo quản khác được áp thuế cao nhất lên tới 40%. Cụ thể, gà ca-ri đóng hộp tăng 40%; trâu bò 37%; ca ri cừu đóng hộp 37%; loại khác 37%.

Thuế nhập khẩu thịt khác và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của động vật khác, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh của bộ động vật linh trưởng, của các loài bò sát (kể cả rắn và rùa), của cá, cá heo, lợn biển, cá lược (động vật có vú) cũng tăng lên là 14%. Một số các mặt hàng rau, quả cũng được điều chỉnh, trong đó cao nhất là quả bưởi với mức mới 40%.