Công cuộc “hạ sơn” đầy gian nan này đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của bản làng...
Cuộc “cách mạng” hạ sơnÔng Sùng A Trang - từng là trưởng thôn Làng Lao, trầm ngâm nhớ lại cuộc sống cách đây 2 năm: “Trước đây thôn Làng Lao được biết đến là thôn khó khăn nhất của xã Cát Thịnh, vì con đường từ thôn đến xã chủ yếu là đường mòn cheo leo trên vách đá, đến ngựa đi cũng không được. Muốn đi chợ, người dân phải dậy từ sớm vượt hơn 10km đường rừng. Một lần đi phải mua đồ dùng cho 1-2 tháng.
Đi lại khó khăn nên khi ốm đau, bệnh tật hay sinh đẻ, người dân đều tự chạy chữa bằng những bài thuốc gia truyền hoặc mời thầy cúng, nguy kịch quá thì gọi anh em người thân, hàng xóm thay nhau khiêng xuống bệnh viện. Nước sinh hoạt được lấy về từ các con suối, cả thôn không có lấy một nhà tiêu hợp vệ sinh.
Cán bộ khuyến nông muốn lên tuyên truyền, vận động áp dụng khoa học kỹ thuật cũng khó. Dân chỉ tự trồng trọt theo kinh nghiệm, trồng được bao nhiêu thì thu bấy nhiêu. Chẳng có điện nên bà con cũng không biết tình hình bên ngoài như thế nào”.
Người dân thôn Làng Lao đã được dùng nước sạch.
Cũng theo ông Trang, chuyện học ở Làng Lao cực kỳ hiếm thấy. Cả thôn chỉ có 2 phòng học khoảng 20m2 được dựng chênh vênh bên sườn núi, tả tơi và xiêu vẹo không đâu bằng. Điểm trường này mỗi năm có 2 giáo viên cắm bản, một giáo viên dạy lớp 1 và một giáo viên dạy lớp ghép 2+3. Chỉ có đến lớp 3 nên học sinh muốn học lớp 4 phải xuống học ở trung tâm xã, vì vậy phần lớn các cháu học xong lớp ghép này đều bỏ học.
Khó, khổ như thế, nhưng để vận động bà con di dời đi khỏi nơi cha ông mình đã sống bao nhiêu năm qua cũng không dễ dàng gì. Nhiều hộ không đồng ý. “Lúc đến nhà vận động, họ bảo dời nhà xuống nhưng đường giao thông chưa có thì thay đổi gì được, đất sản xuất cũng chẳng bằng ở nơi cũ.
Tôi cứ thuyết phục dần dần, có “hạ sơn” Nhà nước mới có điều kiện để đầu tư đường, điện, nước sinh hoạt và con em mình cũng không bị thất học như trước nữa. Cứ thế mưa dầm thấm lâu, từ một vài hộ đến nay đã có 45 hộ dời xuống. Đó là cả một cuộc cách mạng đối với người dân Làng Lao” - ông Trang bảo.
Nối gần bản xa So với thôn Làng Lao, bản Táng Khờ 1 nằm ở vị trí thấp hơn, cách trung tâm xã Cát Thịnh khoảng 2 giờ đi bộ. Sau hơn 2 năm, con đường mòn về bản trước đây men theo vách núi chênh vênh... đã được thay thế bằng con đường rộng rãi, bằng phẳng.
Ông Vàng A Tếnh – Bí thư chi bộ bản phấn khởi cho biết: “Năm 2012, một đoàn sinh viên tình nguyện từ Hà Nội đến thăm Táng Khờ 1, thấy dân bản đi lại khó khăn, họ đã ủng hộ lương thực, thực phẩm để làm đường, còn dân bản tự nguyện đóng góp ngày công. Cả con đường đều được hoàn thành bằng sức người, không có sự trợ giúp của bất cứ phương tiện máy móc nào. Thế mới biết, một khi nhân dân đã đồng lòng, chung sức, việc gì cũng thành công”.
Mong mỏi của bà con, như lời ông Sùng A Câu - Trưởng bản Táng Khờ 1 là: “Mong Nhà nước hỗ trợ thêm để hoàn thiện đường và cầu giúp cho dân bản đi lại đỡ vất vả!”.
|
45 hộ dân di chuyển xuống, mỗi hộ được cấp 300m2 đất làm nhà ở và gần 1ha đất sản xuất; hỗ trợ 4 triệu đồng và 70 tấm lợp fibrô xi măng. Ghép với các hộ này, bản Táng Khờ 1 có cả thảy 71 hộ dân, 446 khẩu. Cuộc sống của người dân bản Táng Khờ 1 đã đi vào ổn định.
Ông Phạm Nguyên Bình - Trưởng phòng Dân tộc huyện Văn Chấn cho hay: “Hiện nay, cả thôn đã khai hoang được gần 40ha lúa nương và đang tích cực khai phá, làm thủy lợi để chuyển diện tích này thành ruộng bậc thang, dần đảm bảo nguồn lương thực tại chỗ. Thôn đã có gần 100ha bồ đề, trong đó hơn 20ha chuẩn bị cho thu hoạch. Trẻ con được đến trường học con chữ, nhà nào cũng có nước sạch để dùng”.
Cuộc sống tập trung, không du canh du cư đã giúp bà con được tiếp xúc, trao đổi với nhau, với cộng đồng nhiều hơn trong đời sống hàng ngày.