Giá tăng vẫn lỗ nặng
Ngày 24.7, khảo sát của phóng viên NTNN tại ĐBSCL cho thấy giá cá tra nguyên liệu dao động khoảng 19.000- 21.000 đồng/kg (tùy chất lượng, kích cỡ), tăng nhẹ so với giữa tháng 7.
Thế nhưng, giá cá tăng vẫn không kích thích được người nuôi vì với mức giá như hiện nay, người nuôi vẫn bị lỗ từ 2.000- 3.000 đồng/kg. Nhiều nông hộ đã phải co cụm lại để chờ thời hay treo ao, chuyển sang nuôi thủy sản khác…
Doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu cũng đang loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm. |
Ông Võ Văn Đệ - người nuôi cá tra lâu năm ở phường Thuận An (quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) cho hay:
“Giá cá tra hiện tại dưới giá thành, nên không ai dám thả nuôi. Một số hộ có vốn lớn thì thả nuôi theo kiểu “đón gió” khi thấy giá cá nhích lên. Tuy nhiên, số lượng thả cũng hạn chế vì rủi ro rất cao”.
Theo ông Đệ, nhiều người dân có nhu cầu nuôi cá trở lại nhưng ngân hàng không cho vay thì cũng không có vốn để nuôi. Bởi vì, không có vốn người nuôi phải thế chấp ở đại lý thức ăn và chịu lãi suất rất cao, khi giá cá tiếp tục không ổn định thì rất dễ thua lỗ nặng hơn và phá sản.
Ở xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), trước đây phong trào nuôi cá tra phát triển rất mạnh. Chỉ 2 năm nay, hầu hết người dân đã phải chuyển qua nuôi thủy sản khác hay “treo ao” để chờ thời cơ thích hợp để thả tiếp.
Ông Nguyễn Văn Hùng trước đây có 4 ao nuôi cá tra. Sau nhiều năm lỗ nặng, năm ngoái ông chuyển sang nuôi cá lóc vì đã quá ngán ngẩm với con cá tra.
Ông Hùng tính toán: “Nếu tiếp tục nuôi cá tra bây giờ sẽ nợ ngập đầu, vì giá bán thấp hơn giá thành vài nghìn đồng một ký, thì chuyện lỗ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng trong 1 vụ nuôi là bình thường. Nuôi cá lóc tuy không lời nhiều nhưng chỉ toàn bán hàng chợ, tiêu thụ nội địa cũng đỡ hơn so với bán cho mấy ông làm xuất khẩu”.
Theo ông Hùng, ở địa phương này, nếu trước đây có 10 người nuôi cá tra, thì giờ chuyển sang nuôi thủy sản khác hết 7 người, 2 người còn lại thì cầm cự với thua lỗ triền miên và 1 người thì vỡ nợ nên “treo ao” dài hạn và chuyển sang trồng lúa, màu.
Vẫn loay hoay tìm lối ra
Như NTNN đã thông tin, Bộ NNPTNT đã trình Chính phủ gói hỗ trợ 9.000 tỷ đồng để cứu ngành chế biến thủy sản và người nuôi cá tra. Trong lúc chờ hỗ trợ, ngành nuôi và chế biến cá tra vẫn loay hoay để tìm lối ra.
Ông Mai Đăng Hòa - Tổng giám đốc Công ty TNHH Thủy hải sản Saigon- Mekong cho rằng:
“Doanh nghiệp thủy sản đang rất cần gói hỗ trợ. Bởi không có vốn, không được khoanh nợ, dãn nợ, tái cơ cấu… thì doanh nghiệp không thể hoạt động. Hiện tại các ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay nhưng rất nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận được nguồn vốn, cuối cùng đành bó tay do không chủ động được trong chế biến, xuất khẩu”.
Ngoài chuyện thiếu vốn, các doanh nghiệp chế biến còn tự cạnh tranh, giảm giá bán tạo ra phản ứng dây chuyền làm khó cả ngành chế biến cá tra.
Thống kê của Tổng cục Thủy sản cho thấy, ở vùng ĐBSCL có 136 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá tra, trong đó có 64 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, nhưng có đến 72 công ty thương mại.
Trong các doanh nghiệp chế biến, chỉ có 5 doanh nghiệp có công suất chế biến trên 100 tấn/ngày, 10 doanh nghiệp có công suất khoảng 100 tấn/ngày, Còn lại hầu hết là doanh nghiệp có công suất nhỏ. Trong các doanh nghiệp chế biến đã có sự phân hóa rất lớn nên dẫn đến chuyện giảm giá bán để cạnh tranh và có tiền xoay xở khi ngân hàng không cho vay.
Bà Trương Thị Lệ Khanh – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp) cho rằng:
“Các doanh nghiệp bán phá giá đã tạo cơ hội cho các nhà nhập khẩu ép giá, hạ giá liên tục. Muốn giải bài toán bán phá giá thì giải pháp liên kết lại để tạo sức mạnh để tránh tình trạng nhà nhập khẩu ép giá. Cần lập tức tổ chức lại và đưa ngành cá tra thành ngành sản xuất có điều kiện và phải xây dựng giá sàn, chất lượng sàn”.
Hoàng Mai