Dân Việt

Đề xuất nhiều giải pháp thay thế tạm trữ gạo

27/07/2012 10:10 GMT+7
(Dân Việt) - Tại hội nghị bàn về chính sách, mô hình phát triển các sản phẩm trọng điểm vùng ĐBSCL vừa diễn ra tại An Giang, đại diện một số địa phương đã kiến nghị Chính phủ chuyển thu mua gạo tạm trữ sang dự trữ quốc gia.

Theo nhiều chuyên gia, chính sách này chưa hẳn đã hiệu quả, mà còn có nhiều giải pháp khả thi hơn...

Nhà nước nên chi ngân sách mua gạo

Tính từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã 2 lần có quyết định thu mua tạm trữ gạo tại khu vực ĐBSCL theo đề nghị của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và các bộ. Cụ thể, lần 1 được thực hiện từ ngày 15.3 đến 30.4 với khối lượng 1 triệu tấn gạo, nhằm giải cứu thị trường cho lúa vụ đông xuân. Lần 2 đang được tiến hành từ ngày 15.7 đến 15.8 với khối lượng 500.000 tấn gạo vụ hè thu.

img
Người trồng lúa vẫn chưa được đảm bảo có lợi 30%.

Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là, chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo trong thời gian qua đã không đạt được mục đích đảm bảo cho nông dân trồng lúa có lời từ 30% trở lên, khi ngay tại thời điểm thu mua tạm trữ, giá lúa cũng chỉ nhích lên theo kiểu “rùa bò”: 50-100 đồng/kg, thậm chí có thời điểm giá còn sụt giảm hoặc đứng im.

Theo ông Phạm Tất Thắng - chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), chính sách thu mua tạm trữ là để điều tiết thị trường đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp (DN), cũng như Nhà nước. Tuy nhiên, đến nay chính sách này hiệu quả chưa tương xứng. “Khi giá gạo thị trường lên cao, DN xuất gạo bán, thu lợi nhuận, nhưng không chia sẻ lợi ích này với nông dân. Như vậy, chỉ số ít DN có lợi, còn nông dân hầu như không được gì cả”- ông Thắng phân tích.

Theo ông Thắng, trong bối cảnh hiện nay nhất thiết phải xây dựng được nền sản xuất lớn để chính người sản xuất có đủ tiềm lực đầu tư cho sản xuất, phân phối điều tiết sản phẩm ra thị trường.

Còn ông Lê Minh Đức - Giám đốc Sở NNPTNT Long An cho rằng: “Việc kiến nghị Chính phủ xuất ngân sách thu mua dự trữ gạo quốc gia về thực tế là hướng đến việc người trồng lúa thực sự được hưởng lợi. Trong những lúc thu hoạch rộ, giá lúa xuống quá thấp, Chính phủ có thể trích ngân sách để trực tiếp hoặc thông qua DN mua với một mặt bằng giá đảm bảo có lợi nhuận ít nhất cho người trồng lúa 30%. Khi giá nhích lên, Chính phủ lại bán ra thị trường. Như vậy, cả người sản xuất và Nhà nước đều có lợi”.

Về đề xuất đáng chú ý này, GS Võ Tòng Xuân- Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Tạo nhận định: “Nếu làm được thì sẽ tốt hơn cho người trồng lúa, hạn chế được tình trạng DN lũng đoạn thị trường, mua lúa của nông dân với giá “bèo”, nhưng lại bán ra với giá cao”. Song theo GS Xuân, việc đưa kho dự trữ gạo quốc gia tham gia vào điều tiết thị trường lúa gạo thì không đúng với bản chất của vấn đề. Hơn nữa, nếu có triển khai được kiến nghị này thì thực tế các kho dự trữ quốc gia hiện có cũng khó đảm đương nổi.

Đa dạng hóa hình thức dự trữ

Thực tế, theo ông Phạm Văn Dư - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), việc phải lệ thuộc khá nhiều vào thị trường thế giới khiến sản xuất, thu mua, tạm trữ lúa gạo ở VN còn nhiều vấn đề phải lo. “Để điều tiết thị trường lúa gạo, cần có những cơ chế thường xuyên và chính sách linh hoạt ở những thời điểm khác nhau.

Còn việc kiến nghị chuyển thu mua gạo tạm trữ sang dự trữ gạo quốc gia là một vấn đề lớn, cần có sự xem xét của Chính phủ, các bộ, ngành. Trước mắt, cần đa dạng hóa việc tồn trữ gạo, có thể là DN tồn trữ, hợp tác xã hoặc chính nông dân cũng có thể tồn trữ để giảm áp lực đối với Nhà nước”.

Theo Bộ NNPTNT, trong năm nay toàn vùng ĐBSCL sẽ có trên 23 triệu tấn lúa. Sau khi trừ tiêu dùng nội địa, lượng gạo hàng hóa cần tiêu thụ vào khoảng 7,2 triệu tấn (chưa kể hơn 1 triệu tấn gạo tồn kho từ năm ngoái chuyển sang). Nhưng tính đến ngày 12.7, chỉ có 3,55 triệu tấn gạo được xuất khẩu.

Ông Lê Minh Đức đặt vấn đề: “Cần phải điều chỉnh theo hướng DN phải thu mua lúa, chứ không thu mua gạo. Bởi nếu thu mua gạo sẽ dẫn đến tình trạng lúa ngoài đồng vẫn tồn ứ, nhưng DN lớn vẫn mua gạo của các DN nhỏ”.

Hơn nữa, theo ông Đức, cần có chính sách thu mua tạm trữ trước khi thu hoạch, tránh tình trạng khi thu hoạch rộ mới công bố giá thu mua, khiến nông dân bị động.

GS Võ Tòng Xuân thì băn khoăn: “Vinafood, VFA không chịu thu mua với giá cao cho người trồng lúa mà cứ đợi khi giá xuống thấp mới thu mua rồi lại xuất khẩu với giá cao (trước đó đã ký hợp đồng, thỏa thuận giá cả, số lượng…).

Như vậy, rõ ràng nông dân bị lợi dụng rất nhiều”. TS Lê Văn Bảnh- Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết thêm: “Chính sách mua tạm trữ 500.000 tấn quy gạo do VFA đang thực hiện vẫn chưa phát huy được tác dụng, thu nhập của nông dân vẫn rất thấp. Bởi nếu giá thành sản xuất là 4.000 đồng/kg, để bảo đảm nông dân có lãi 30% thì giá thu mua phải 5.300 - 5.400 đồng/kg. Thế nhưng, hiện nông dân bán với giá rất thấp, chỉ 4.200 – 4.300 đồng/kg lúa tươi”.