Dân Việt

Độc đáo lễ hội Điện Trường Bà

27/07/2012 10:18 GMT+7
(Dân Việt) - “Thánh mẫu Thiên Y A Na được người dân ở nhiều tỉnh thành trong nước thờ, tuy nhiên được cả người Kor, người Kinh, người Chăm, người Hoa cùng tham gia tế lễ thì chỉ có ở Trà Bồng”.

Đây là khẳng định của Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi.

Lễ hội Điện Trường Bà hàng năm được tổ chức từ ngày 15-17.4 âm lịch, trong đó ngày 16.4 âm lịch là ngày chính thức, gồm có 2 phần lễ và hội. Trong phần lễ có các nghi thức: Lễ tế ngoại đàn; Lễ chánh tế; Lễ dâng hương tưởng niệm Thánh mẫu Thiên Y A Na... Phần hội thì có thi đấu cờ người, múa lân, múa Cadáu... Cứ đến ngày lễ, không chỉ người dân trong tỉnh, mà còn có người Chăm ở Châu Đốc (An Giang), người Việt gốc Hoa ở Hội An (Quảng Nam)... cùng tề tựu về dâng hương, tham gia tế lễ và dự hội. “Đến giờ chưa có ai giải thích được nguyên nhân do đâu mà 4 dân tộc cùng đồng tham gia tế lễ này” - ông Vũ nói.

img
Nghi thức múa Cadáu của người Kor.

Ông Hồ Văn An (64 tuổi, ở làng Trà Dòn, xã Trà Thủy, Trà Bồng) kể rằng: Từ bao đời nay, cứ đến ngày 16.4 âm lịch là bà con trong làng mang lễ vật như mật ong, quế, trầu cau... - những sản vật từ núi rừng, nơi người Kor sinh sống - về dâng lễ Điện Trường Bà.

Một điều đặc biệt nữa là trong gian chính của Điện Trường Bà, cùng với thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na, người dân còn thờ Trấn quốc công Bùi Tá Hán và Phó đô tướng Dương võ công thần Mai Đình Đông - những vị có công trong buổi đầu đi mở đất ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.

Bên ngoài điện, nằm về phía tây, còn có miếu thờ Bạch hổ sơn quân. Tương truyền xưa kia khi núi rừng còn hoang vu, nhờ có ông Hổ trắng bảo vệ nên muôn thú không dám về quấy phá dân làng.

Ông Nguyễn Xuân Bắc -Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng cho biết: Trước đây, vì nhiều nguyên nhân nên lễ hội chỉ do xã tổ chức. Thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với các cấp ngành mở rộng quy mô để đưa lễ hội trở thành ngày hội của tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em trong tỉnh và những vùng miền lân cận.