Đủ lý do để lãi suất không giảm
Lãnh đạo một doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Hà Nội cho biết, lãi suất vay có khi lên tới 18% mà vẫn không vay được. Khi cho vay, các ngân hàng thường xét tới các yếu tố như tài sản cầm cố, năng lực, uy tín DN… Không đảm bảo các yếu tố này, các DN cũng chỉ vay được món nhỏ hoặc không thể vay vốn.
Mức lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng đã lên tới 18%. (Ảnh minh họa) |
Ngoài ra, trên thị trường tiền tệ, lãi suất trái phiếu Chính phủ có vai trò định hướng và là tín hiệu quan trọng cho lãi suất của các ngân hàng thương mại (NHTM). Trong điều kiện bình thường, các NHTM thường coi lãi suất trái phiếu Chính phủ là mức chuẩn và cộng thêm một mức nhất định. Thực tế cho thấy, nếu lãi suất trái phiếu Chính phủ và lạm phát vẫn cao thì lãi suất trên thị trường sẽ vẫn ở mức cao.
Thêm vào đó, các ngân hàng nhỏ không vay được từ thị trường liên ngân hàng buộc phải vay từ dân cư, mà công cụ hữu hiệu nhất để thu hút vốn là tăng lãi suất. Nếu ngân hàng nhỏ giữ lãi suất cao, đương nhiên ngân hàng lớn có dư vốn cũng không thể giảm lãi suất được.
Ngoài ra, khi khó khăn (suy thoái) các NHTM trong nước không cắt giảm chi phí ngân hàng mà trái lại lại tăng chi phí (như mở thêm chi nhánh, tăng lương, chia thưởng cho nhân viên khá dễ dàng...). Các chi phí này đã được NHTM tìm mọi cách đẩy vào khách hàng dưới rất nhiều cách khác nhau, bao gồm nâng lãi suất hay các loại phí mới... Khi NHNN khống chế lãi suất cho vay, NHTM tìm mọi cách "lách luật" bằng cái gọi là phí.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, nguyên nhân chưa thể giảm lãi suất do dự trữ tiết kiệm trong dân có hạn, đồng thời nhiều người dân tìm đến kênh đầu tư vàng, USD nên nỗ lực huy động của các ngân hàng không đáp ứng được nhu cầu của DN. Thực tế, tăng trưởng tín dụng cũng chưa đạt được mức đề ra là 25%. Cung nguồn vốn của DN tăng, cầu lại thiếu nên việc giảm lãi suất là rất khó.
An toàn vốn cao hơn chuẩn quốc tế?
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, với những quy định về an toàn vốn chuẩn bị có hiệu lực, áp lực về vốn của các NHTM là rất lớn. Ông Nghĩa cho rằng, tỷ lệ an toàn vốn trong Thông tư 13 của NHNN (có hiệu lực từ đầu tháng 10 tới) còn cao hơn cả chuẩn quốc tế Basel III vừa đưa ra vào ngày 12-9-2010. Theo ông Nghĩa, hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) trong Thông tư 13 là 9% trong khi Basel III vẫn giữ ở mức 8%.
Bên cạnh đó, Thông tư 13 sẽ càng làm méo mó các tín hiệu của thị trường tiền tệ do các ngân hàng đang tìm cách lách như biến tiền gửi không kỳ hạn thành có kỳ hạn, vốn ngắn hạn thành vốn trung dài hạn và rủi ro lãi suất có thể tích tụ nợ xấu mà không hiện rõ trên bảng cân đối tài sản của ngân hàng. "Điều này sẽ khiến cho công tác giám sát ngày càng khó khăn vì các chính sách đưa ra dựa trên những tín hiệu thị trường méo mó và không minh bạch" - ông Nghĩa nói.
Ngày 21-9, Hiệp hội Ngân hàng đã có cuộc họp với đại diện các ngân hàng phía Nam, yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất huy động xuống 11% năm. Tuy nhiên, ông Hồ Hữu Hạnh - Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, cuộc họp không đi đến sự đồng thuận được vì các ngân hàng không chấp nhận giảm lãi suất huy động tiền đồng thấp hơn nữa.
Văn Kỳ Thanh