Dân Việt

Pháo phản lực Nga: “Dàn đồng ca đỏ” hùng hậu

24/04/2013 19:05 GMT+7
Dân Việt - Hiệu quả chiến đấu của dàn pháo “Cachiusa” nhanh chóng át đi tiếng cười chế giễu và khiến giới quân sự suy nghĩ nghiêm túc về loại vũ khí mà đến nay, ngày càng chiếm vị trí quan trọng trên chiến trường.

Uy lực bất thình lình

Sau chiến tranh thế giới thứ 2, dù pháo phản lực của Liên Xô hay các nước phương Tây đã phát triển với nhiều thiết kế hiện đại, mang nhiều tên gọi khác nhau, nhưng những người ngoại đạo vẫn thường nhận diện chúng với cùng một tên gọi “Cachiusa”.

 img
Để nói tới thành công của pháo phản lực Liên Xô phải kể tới BM-21 Grad (“Mưa đá”), xuất hiện từ năm 1964.

“Thương hiệu” này gắn liền với chiến công đầu của pháo binh Liên Xô tập kích phát xít Đức tại Orsha (Belarus), ngày 7.7.1941. Chỉ với 7 xe phóng, trong một khoảng thời gian vô cùng ngắn ngủi, toàn bộ nhà ga với các đoàn tàu tiếp tế của đối phương đã bị phá hủy hoàn toàn.

Những tên phát xít còn sống sót thì bàng hoảng không hiểu “sấm sét” đã giáng xuống từ đâu. Sự khủng khiếp của Cachiusa và tiếng rít đặc trưng khi khai hỏa sau này được lan truyền trong hàng ngũ quân phát xít với biệt danh “Dàn đồng ca của Stalin”.

 img
 Sự khủng khiếp của Cachiusa và tiếng rít đặc trưng khi khai hỏa sau này được lan truyền trong hàng ngũ quân phát xít với biệt danh “Dàn đồng ca của Stalin”.

Trên thực tế, Liên Xô đã thử nghiệm loại vũ khí mới này từ năm 1938. Tuy nhiên, độ tản mác cao, tầm bắn thấp (5,5km), thời gian nạp đạn lâu (24 viên/50 phút).., khiến giới tướng lĩnh Liên Xô xem thường pháo phản lực.

Thế nhưng, trong bối cảnh sự phát triển pháo binh dường như tới hạn, tầm xa và uy lực như đại pháo Gustav hay Paris Gun luôn đi kèm với sự nặng nề, chậm chạp thì khả năng cơ động, và tốc độ bắn lại trở thành yếu tố đột phá.

Chính vì vậy, Cachiusa đã dành được cơ hội thể hiện và cũng từ đây, vị thế của pháo phản lực cùng chiến thuật “bắn và chuồn” được xác lập.

 img
 Khả năng cơ động và tốc độ bắn trở thành yếu tố đột phá giúp pháo phản lực Nga có cơ hội phát triển.

“Dàn đồng ca đỏ”

Kế thừa truyền thống của Cachiusa (BM-13), nhiều thiết kế pháo phản lực ra đời, giúp “Dàn đồng ca đỏ” của Hồng quân Liên Xô ngày càng thêm đông đúc. Ngày nay, thành viên mới nhất của “Dàn đồng ca đỏ” là BM-30 Smerch (“Cơn lốc”), ra đời từ năm 1987.

Hệ thống này bao gồm 12 ống phóng đạn tên lửa cỡ 300 mm được đặt trên khung xe 8x8. BM-30 có thể phóng hết 12 quả đạn của mình trong 38 giây và bắn loạt thứ hai sau 36 phút. Đạn của BM-30 có loại dài tới 7,6m, do đó tầm bắn được nâng lên đáng kể. Biến thể Smerch-M có tầm bắn tối đa lên tới 90km, vượt xa so với hầu hết các loại pháo binh truyền thống.

 img
BM-30 Smerch (“Cơn lốc”) là thành viên mới nhất của “Dàn đồng ca đỏ”, ra đời từ năm 1987.

Bên cạnh tính cơ động, khả năng chế áp, những cải tiến không ngừng về đạn giúp nâng độ chính xác, mở rộng nhiệm vụ của pháo phản lực, uy thế của loại vũ khí này ngày càng cao.

Tuy nhiên, để nói tới thành công của pháo phản lực Liên Xô phải kể tới BM-21 Grad (“Mưa đá”), xuất hiện từ năm 1964. Với số ống phóng lên tới 40, có cơ chế bắn đồng loạt, 1 tiểu đoàn BM-21 có thể nã 720 quả đạn trong vòng… 20 giây, sau đó, rút thật nhanh trước khi đối phương kịp phản ứng.

 img
 BM-21 là pháo phản lực dành được thành công xuất sắc trên thị trường xuất khẩu vũ khí, có mặt trong biên chế quân đội gần 70 quốc gia

Ngày nay, BM-21 bản nâng cấp được thiết kế để tiêu diệt binh lính đối phương cả trong và ngoài công sự, phá hủy phương tiện xe bọc thép hạng nhẹ hay xe tăng, pháo cối các loại ở các bãi tập kết, các máy bay trực thăng hay cánh cố định trên bãi đáp, bộ phận chỉ huy và nhiều mục tiêu khác. Thậm chí, BM – 21 Grad cũng có thể dùng để rải mìn.

Vì lẽ đó, BM-21 là pháo phản lực dành được thành công xuất sắc trên thị trường xuất khẩu vũ khí, có mặt trong biên chế quân đội gần 70 quốc gia.

(Còn tiếp)