Một thời chưa xa
Cách đây gần chục năm, cũng giống các xã đặc biệt khó khăn khác của tỉnh Lai Châu, dù đã được Nhà nước đầu tư một số chương trình, dự án, song cái đói nghèo vẫn đeo bám cuộc sống của người dân xã Ma Quai.
Ông Giàng Pử, đã có một thời giữ trọng trách đứng đầu chính quyền xã, kể lại: “Khi ấy cả xã chỉ có vài chục nóc nhà. Hộ nào đến trước thì có nhiều ruộng, đến sau có ít ruộng, hộ nào không có ruộng thì phá rừng để làm nương. Những cây gỗ to không chặt được, họ nghĩ ra cách đốt gốc, sau vài vụ làm nương là cây tự khắc chết khô”.
Tương lai của Ma Quai gửi gắm ở những em nhỏ đang học tập tại điểm trường bán trú dân nuôi. |
Để cứu lấy cánh rừng nguyên sinh cả nghìn năm tuổi, chính quyền xã đã quyết định làm “cuộc phân phối lại ruộng đất” tại Ma Quai. Chỉ với trên 40ha ruộng trên địa bàn xã, chia cho số nhân khẩu khi ấy, mỗi người chỉ được chưa đến 1 sào.
Dõi đôi mắt vào xa xăm, ông Pử bồi hồi nhớ lại: “Năm 2005, toàn xã chỉ có vài chục hộ thuộc diện khá giả, còn lại đều thuộc diện nghèo, cận nghèo. Dạo ấy, cứ đến độ giáp hạt là nhà nào cũng đói, đành vào rừng để kiếm cái rau, cái củ chờ vụ thu hoạch. Nghèo nên việc học của con trẻ cũng không được quan tâm, chẳng mấy đứa học hết tiểu học...”.
Không còn cái đói
Ma Quai hiện có 20 bản với trên 1.000 hộ dân, đa phần là 6 dân tộc Thái, Dao, Lự, Lào, Mông, Nhắng. Do địa hình phức tạp, dân cư phân tán, nhiều núi cao, khe sâu nên mặt bằng kinh tế của xã còn nhiều khó khăn. Đầu năm 2006, một tổ công tác xóa đói, giảm nghèo đã được cử về xã. Mỗi bản cắm một cán bộ khuyến nông thực hiện “3 cùng” với bà con, hàng ngày ra đồng hướng dẫn họ cách làm đất, làm cỏ, phun thuốc trừ sâu bệnh...
Anh Lò Văn Huân- cán bộ Hội Nông dân xã nhớ lại: “Giai đoạn đầu vận động bà con rất khó khăn, phần vì trình độ dân trí thấp, phần do hủ tục còn nhiều. Đích thân cán bộ khuyến nông đứng ra trồng thử nghiệm một ruộng ngô đông với cách thức chăm sóc thật bài bản. Vụ ngô đông năm 2006, một số bản đã làm theo với diện tích thí điểm chỉ gần chục ha nhưng đến năm 2008 thì hầu như cả xã đều trồng thêm một vụ ngô đông.
Vụ ngô đông 2012, xã bội thu. Nhiều người dự đoán năm 2013, diện tích trồng ngô của xã sẽ còn tăng lên nữa. Anh Cà Văn Hây ở bản Lùng Cù vui vẻ chia sẻ: “Gia đình tôi trồng ngô, trồng lúa, mỗi năm thu hoạch không dưới 2 tấn lương thực. Không chỉ đủ ăn, vợ chồng tôi còn tăng gia chăn nuôi thêm gà và đàn trâu 8 con để có thêm điều kiện cho các con ăn học”.
Kinh tế phát triển, cái đói, cái rét bị đẩy lùi thì việc học hành của con cái cũng được người dân ở Ma Quai chú trọng hơn. Hiện nay, tình trạng mù chữ trong thanh thiếu niên nơi đây hầu như không còn. Vào cuối năm 2012, điểm trường bán trú dân nuôi Ma Quai do Tập đoàn VNPT tài trợ đã khánh thành giúp học sinh các bản xa ở Ma Quai không còn phải đi lại vất vả và ở tạm trong những căn lều dột nát.
Nguyễn Trương Minh