Dân Việt

Thời cơ để xuất khẩu gạo

29/09/2010 22:09 GMT+7
(Dân Việt) - Sản lượng lương thực nói chung và sản lượng lúa nói riêng năm nay theo ước tính của Tổng cục Thống kê có thể tăng nửa triệu tấn so với năm trước; lúa mùa ở miền Bắc đã bước vào thu hoạch, giá lúa đang trên đà tăng vì thế đây chính là cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu gạo.

Đứng trước tốc độ tăng cao của giá tiêu dùng tháng 9 (Hà Nội tăng 0,96%, TP. Hồ Chí Minh tăng 0,97% và cả nước tăng 1,31%, trong đó giá lương thực tăng 2,32%), các nhà hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô đã xuất hiện tâm lý lo ngại lạm phát tăng cao trong những tháng còn lại và tính chung cả năm có thể vượt quá 8,5%, không đạt được kế hoạch điều chỉnh (không quá 8%).

Chắc chắn sẽ có nhiều biện pháp sẽ được đề ra để ngăn chặn sự tăng lên của giá tiêu dùng. Trong các biện pháp này, có một số người đã tính đến việc không tăng lượng gạo xuất khẩu so với kế hoạch và có thể sẽ giãn tiến độ xuất khẩu gạo, để bảo đảm an ninh lương thực ở trong nước và góp phần kiềm chế lạm phát.

Vậy thực hư chuyện này ra sao?

Trước hết là nguồn lương thực năm nay có một số nét khác so với năm trước. Lượng gạo chưa xuất khẩu của năm trước chuyển sang xuất khẩu đầu năm nay nhiều hơn hẳn con số tương ứng của cùng kỳ năm trước. Sản lượng lương thực nói chung và sản lượng lúa nói riêng năm nay theo ước tính của Tổng cục Thống kê có thể tăng nửa triệu tấn so với năm trước; lúa mùa ở miền Bắc đã bước vào thu hoạch. Lượng lúa mà người dân thuê ruộng cấy ở Campuchia mang về cũng nhiều hơn năm trước. Lượng lúa mỳ nhập khẩu 8 tháng đạt gần 1,4 triệu tấn, tăng gấp rưỡi cùng kỳ năm trước.

Lượng thức ăn gia súc nhập khẩu tăng, trong khi sản lượng ngô tăng, lượng sắn xuất khẩu chưa bằng một nửa cùng kỳ năm ngoái. Theo tính toán sơ bộ của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thì khả năng năm nay lượng gạo có thể đạt 7,2 triệu tấn, trong khi 8 tháng mới xuất khẩu được trên 5 triệu tấn. Điều đó chứng tỏ, dù có tăng lượng xuất khẩu lên thì an ninh lương thực vẫn có thể bảo đảm.

Về giá cả, giá lương thực ở trong nước đã giảm 5 tháng liền, đến tháng 8 mới tăng và tháng 9 tăng khá; nhưng mức giá cũng như tỷ trọng chi tiêu cho lương thực của người tiêu dùng hiện nay rất thấp so với nhiều chi tiêu khác. Giá cả xuất khẩu gạo năm nay lại cao hơn năm trước và nhu cầu nhập khẩu gạo của nhiều nước cũng tăng. Đây là thời cơ để đẩy mạnh xuất khẩu gạo.

Kim ngạch xuất khẩu gạo 8 tháng đã đạt gần 2,4 tỷ USD; nếu tăng lượng xuất khẩu trong các tháng còn lại, thì khả năng năm nay sẽ vượt qua mốc 3 tỷ USD, vượt đỉnh cao nhất trước đây (gần 2,9 tỷ USD của năm 2008), góp phần quan trọng vào việc tăng kim ngạch xuất khẩu chung và giảm nhập siêu của cả nước.