Đó cũng là tuyến đường ống dẫn dầu lửa đầu tiên của Nga vươn dài tới một nước ở khu vực Đông Bắc Á. Năm ngoái, Trung Quốc đã dành cho Nga khoản tín dụng trị giá 25 tỷ USD để đổi lấy sự đảm bảo của Nga cung ứng dầu lửa cho Trung Quốc tới năm 2030 (tổng cộng 300 triệu tấn), vượt xa mức độ 9 triệu tấn dầu lửa hàng năm cho tới nay phải vận chuyển bằng tàu hoả từ Nga sang Trung Quốc.
Nga có thêm thị trường xuất khẩu dầu lửa và Trung Quốc có thêm nguồn cung ứng dầu. Để thực hiện và bảo vệ lợi ích chung ấy, cả Nga và Trung Quốc đều sẽ dành cho nhau vị trí quan trọng hơn trong chính sách của từng bên. Cả hai đều đề cập đến một tầm vóc mới của mối quan hệ đối tác chiến lược.
Hợp tác trên lĩnh vực năng lượng nhờ vậy mà đã trở thành động lực quan trọng cho việc thúc đẩy toàn bộ quan hệ hợp tác giữa hai nước. Hai bên sẽ đồng thuận quan điểm và phối hợp hành động trong những vấn đề mà hai bên có lợi ích chung; sẽ không ngăn cản lẫn nhau trong những vấn đề chỉ liên quan đến lợi ích của một bên và không làm ảnh hưởng đến lợi ích của bên kia, dù đó là chuyện chính trị nội bộ, hợp tác kinh tế - thương mại quốc tế hay chính trị an ninh khu vực và thế giới.
Nhìn nhận như vậy sẽ thấy cặp quan hệ Nga – Trung Quốc đang nổi trội về mọi phương diện hơn so với các cặp quan hệ của từng bên với các đối tác chiến lược khác của họ, chẳng hạn như như với Mỹ hay Nhật Bản, EU hay Ấn Độ.
Huệ Như